Sách hay: Tiếng nói của mặc tưởng

Tuấn Duy
Tuấn Duy
27/04/2024 07:06 GMT+7

Ánh sáng trắng (Sách Thiện Tri Thức và NXB Dân trí ấn hành, Thiên Nga chuyển ngữ) ra mắt mới đây đã làm rõ nhất lý do vì sao giải Nobel Văn chương 2023 được trao cho Jon Fosse.

Cuốn sách xoay quanh một người đàn ông vì quá chán nản với thường nhật đã lái xe vào rừng thông. Những tưởng chuyến phiêu lưu sẽ giúp cải thiện tâm trạng, thế nhưng mọi thứ bất chợt xấu đi khi anh nhận ra chiếc xe giờ bị kẹt lại giữa một vũng lầy, trong khi tuyết đang rơi, trời tối dần, còn khoảng rừng không ai sinh sống. Khi đang tìm cách thoát ra, anh bỗng nhìn thấy một ánh sáng lớn tiến đến gần mình. Anh cố giao tiếp với "vật chất" ấy nhưng mọi thứ liên tục gián đoạn. Liệu nó là gì và tại sao bỗng dưng xuất hiện?

Nhà văn Jon Fosse

Nhà văn Jon Fosse

Euronews - Sách Thiện Tri Thức

Tác phẩm Ánh sáng trắng

Tác phẩm Ánh sáng trắng

Euronews - Sách Thiện Tri Thức

SÁNG TẠO NHỮNG KHOẢNG LẶNG

Để nói về các tác phẩm của Jon Fosse, ấn tượng thường trực luôn được nhắc đến là những dòng văn không có dấu chấm, chỉ được kết nối qua những liên từ hoặc những từ khóa lặp đi lặp lại. Cách viết nói trên có phần tương đồng với các nhà văn theo trường phái dòng suy tưởng. Tuy nhiên, với Jon Fosse, phương thức này không phải mô phỏng lại dòng suy tưởng mà là sáng tạo thiên về hình thức để tạo nên cái gọi là "chủ nghĩa tối giản kiểu Jon Fosse", cùng việc khai thác những nỗi lo lắng, phân vân, bất an và thế lưỡng nan của chính con người vốn là chủ điểm trong văn nghiệp ông.

"Khoảng lặng" của tâm trạng này chính là cái "không thể nói ra" mà Ủy ban Văn chương của Viện Hàn lâm Thụy Điển từng nhắc đến khi gọi tên ông. Với Jon Fosse, im lặng là cái câm bặt của nhiều trạng thái, từ hoang mang, bối rối, tuyệt vọng cho đến sụp đổ, khi con người ta không biết phải làm gì tiếp theo. Đó là hậu vị của những cảm xúc, và cũng là thứ tác động nhiều nhất đến người nghe, người xem và người trình diễn. Nổi tiếng với các vở kịch, nhưng nếu thể loại này có lợi thế về góc nhìn, âm thanh, ánh sáng... thì tiểu thuyết lại không có được sự hậu thuẫn đó. Vì thế, Fosse đã tạo ra một hình thức mới mô phỏng lại cảm giác đó, bằng cách sắp đặt rất nhiều mệnh đề liên tục phủ định hay từ chối khẳng định nằm kề bên nhau.

Điều đó cũng được nhìn thấy ở Ánh sáng trắng, phơi bày được sự rối trí cũng như phân vân của chủ thể trong việc phải làm cách nào thoát khỏi khu rừng hay kéo được xe ra khỏi vũng lầy. Đây chính là điều rồi sẽ xảy ra ở hầu hết mọi người, khi họ thường trực hoang mang và thiếu quyết đoán với những điều không quen thuộc hoặc chưa biết trước. Đó cũng chính xác với điều Fosse từng nói, rằng ông không viết cho riêng người nào mà là cho nhân loại này. Có thể nói bằng cách giảm thiểu triệt để ngôn ngữ và hành động kịch tính, Fosse đã tái tạo một cách chính xác những điều không thể nói ra, từ đó bóc trần cảm xúc cũng như gọi tên những trải nghiệm này.

THỜI ĐIỂM CỦA MẶC KHẢI

Trong sự phân vân, Fosse và các nhân vật bỗng chốc nghe thấy tiếng nói của sự thinh lặng. Như ông đã viết trong tác phẩm này: "Rồi tôi đứng đó lắng nghe thinh lặng. Và tuồng như thinh lặng đang nói với tôi. Nhưng thinh lặng thì không nói được, phải không. Có, thinh lặng cũng nói theo cách riêng, và giọng ta nghe khi nó nói, phải, đó là giọng của ai. Nhưng đó chỉ là giọng. Ta không thể nói gì thêm về giọng này. Nó chỉ ở đó. Nó ở đó, rõ ràng là như vậy, cho dù nó không nói gì".

Điều ấy cũng tương tự với Albert Camus - chủ nhân giải Nobel Văn chương 1957, khi ở tập truyện ngắn Lưu đày và Vương quốc, ông cho các nhân vật nghe thấy những điều phi lý như tiếng nước chảy giữa sa mạc khô cằn hay sự im lặng trong khoảng hở phía trên mái nhà của bầu trời sao... khi họ giải quyết được "bài toán khó" của cuộc đời mình, là phải chọn lựa giữa cái tương đối và cái tuyệt đối. Đó chính là việc tái tạo những mặc khải cũng như mặc tưởng khi các nhân vật thấu suốt được con người mình. Fosse cũng thế, ông đã gắn trải nghiệm này với những gì thiêng liêng và tốt đẹp nhất với một con người.

Ánh sáng trắng ấy khiến ta liên tưởng đến "cửa thời gian" giữa hai thế giới, nơi người ta từ hữu thể chuyển sang vô hình, nơi từ thị kiến chuyển sang cảm nhận... Từ đó nhân vật thấy trong nguồn sáng những gì quen thuộc: từ một người đàn bà với cái chạm khẽ (có thể là một tình yêu đã mất), hai ông bà già không ngừng tranh luận (mà nhân vật chính xác nhận là cha mẹ mình), cũng như một người đàn ông diện trang phục vest và thắt cà vạt (có thể là bản thân anh ở một "dạng" khác còn chưa hoàn chỉnh, vì khuôn mặt ấy không có đường nét).

Vì vậy, trải nghiệm với nguồn sáng ấy cũng có thể hiểu là một trải nghiệm mang tính cận tử, khi trong khu rừng buốt giá, không thấy đường ra, tâm trí của nhân vật chính mụ mị dần rồi bị ám ảnh bởi sự cô độc, từ đó nhìn thấy những người mình muốn kết nối. Và nguồn sáng ấy chính là điểm nối giữa hai thế giới - nơi sự thinh lặng có thể cất lời, còn bản thân anh cũng dần "thoát xác". Điều này như tái hiện chính những cảm giác của Jon Fosse, khi ông cho rằng trải nghiệm cận tử trong một tai nạn ở tuổi lên 7 đã thay đổi ông và đưa ông đến con đường văn chương, từ đó viết ra những thứ bất khả nói ra.

Có thể nói Ánh sáng trắng là một tác phẩm ấn tượng và rất độc đáo về nghệ thuật viết, cũng như bộc lộ tất cả những điều ai rồi cũng sẽ trải qua nhưng là bất khả nói ra bằng các sáng tạo văn chương riêng biệt. Từ đó đưa con người đến gần với trạng thái của sự thiền định, nơi tâm trí con người được "giải thoát" và từng sát na bỗng dưng vô vi, trở nên nhẹ bẫng. 

Jon Fosse sinh năm 1959 tại Na Uy, được công nhận là một trong những tác giả đương đại quan trọng nhất của văn chương thế giới. Ông đã nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế với vô số vở kịch, tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi... đã được xuất bản sang 44 ngôn ngữ. Ông là tác giả đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương sáng tác bằng tiếng Nynorsk - một ngôn ngữ phổ thông ở Na Uy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.