Vì sao viêm màng não do não mô cầu nguy cơ tử vong, di chứng cao?

19/06/2024 08:00 GMT+7

Bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, nếu cứu được thì nguy cơ làm cho người bệnh mắc nhiều di chứng vĩnh viễn như điếc, liệt... Cách để tránh tử vong và biến chứng do căn bệnh này gây ra là tiêm vắc xin não mô cầu đầy đủ.

Vì sao viêm màng não do não mô cầu nguy cơ tử vong, di chứng cao?- Ảnh 1.

Trẻ mắc viêm màng não mô cầu cần được ưu tiên cấp cứu vì bệnh gây tử vong rất nhanh

Ảnh: Shutterstock


Cuộc chạy đua với thời gian

Mới đây, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn ghi nhận chùm 6 ca bệnh nghi do não mô cầu khuẩn, là người trong cùng một gia đình. Trong đó, bà 64 tuổi và cháu ruột 2 tuổi tử vong lần lượt vào 9.6 và 5.6, nguyên nhân đang được điều tra. Con trai, con dâu cùng hai người cháu điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Trung tâm Y tế Bạch Thông (Bắc Kạn); hai trong số này được xác nhận mắc viêm màng não do não mô cầu.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm màng não do não mô cầu được xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu nội khoa, cần được nhập viện điều trị càng sớm càng tốt bởi bệnh có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ từ khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến đến 50% (1). Dù thoát được "cửa tử" nhưng cứ 5 người sẽ có đến 1 người phải chịu những di chứng tàn tật suốt đời như chậm phát triển trí tuệ, điếc, liệt, cắt cụt chi, sẹo do hoại tử da… từ đó để lại gánh nặng lớn về tinh thần, kinh tế cho người bệnh, gia đình cũng như tạo gánh nặng cho xã hội.

Tại Việt Nam, theo báo cáo thống kê y tế về bệnh truyền nhiễm (năm 2016), viêm màng não do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất với tỷ lệ 0,006/100.000 dân (2). Theo báo cáo công bố năm 2023 của Viện Pasteur TP.HCM, tỷ lệ tử vong do não mô cầu ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực phía Nam giai đoạn 2012 - 2021 là 8,2%. (3)

Vì sao viêm màng não do não mô cầu nguy cơ tử vong, di chứng cao?- Ảnh 2.

Các dấu hiệu ban đầu của viêm màng não mô cầu dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh nhiễm virus thông thường

Ảnh: Shutterstock

Theo TS-BS Nguyễn Huy Luân - Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, vi khuẩn não mô cầu gây ra ba thể bệnh xâm lấn thường gặp là viêm màng não (48%), nhiễm khuẩn huyết (43%) và viêm phổi (9%).

Trường hợp não mô cầu thể tối cấp, bệnh diễn tiến nhanh trong 24 giờ qua 3 giai đoạn. Cụ thể, trong 8 giờ đầu tiên, bệnh nhân thường sốt, cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng, sổ mũi. 8 giờ tiếp theo, trên ngực, khớp gối, khuỷu tay chân xuất hiện các xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng, nôn. 8 giờ cuối được xem là đã muộn khi người bệnh hôn mê hoặc mê sảng, co giật, mất ý thức và tử vong.

"Vi khuẩn não mô cầu lây qua dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra trực tiếp lúc nói chuyện, hắt hơi. Nguồn lây bệnh có thể đến từ "người lành mang trùng", tức người mang vi khuẩn tại hầu họng nhưng không biểu hiện triệu chứng nên khó kiểm soát. Thống kê có khoảng 5-10% dân số là "người lành mang trùng" .

Vì sao viêm màng não do não mô cầu nguy cơ tử vong, di chứng cao?- Ảnh 3.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động, bảo vệ tương lai trẻ

Ảnh: Shutterstock

Một trong những cách phòng "bệnh tử trong 24h" tốt nhất

Theo CDC Mỹ, có khoảng 1,2 triệu ca mắc và 135.000 ca tử vong bởi viêm màng não do não mô cầu mỗi năm trên thế giới. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu, trong đó nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên, người bị suy giảm miễn dịch có khả năng nhiễm bệnh cao hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định hiện tượng El Nino sẽ kéo theo thời tiết nóng lên bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển của vi sinh vật gây bệnh trong năm 2024. Đặc biệt, khí hậu cực đoan với nắng nóng và mưa nhiều, tình hình dịch bệnh cũng được nhận định là ngày càng phức tạp như viêm màng não.

Bên cạnh việc vệ sinh cá nhân (rửa tay, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn…), biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu là chủ động tiêm vắc xin. Hiện có 12 nhóm huyết thanh não mô cầu, trong đó 6 nhóm nguy cơ cao gây bệnh là A, B, C, X, Y, W, chiếm 90% số ca bệnh trên toàn thế giới. Trong đó, 5 nhóm huyết thanh đã có vắc xin phòng ngừa tại Việt Nam gồm nhóm BC của Cuba, nhóm B của Ý, nhóm ACYW-135 của Mỹ. Mọi người cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin não mô cầu, phòng ngừa thiếu một hoặc một vài nhóm trong 5 nhóm nói trên cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.

Vì sao viêm màng não do não mô cầu nguy cơ tử vong, di chứng cao?- Ảnh 4.

Trẻ em và người lớn cần tiêm đúng lịch, đủ liều vắc xin phòng não mô cầu

Ảnh: Shutterstock

"Nếu không may mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và không được điều trị kịp thời ngay từ những giờ đầu thì nguy cơ tử vong và diễn biến nặng là rất cao. Vì thế, mọi người nên chủ động tiêm phòng vắc xin, hướng tới hai mục đích quan trọng vừa bảo vệ cho chính bản thân và hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng, gia đình", TS-BS Huy Luân cho biết.

Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết đẩy lùi căn bệnh viêm màng não do não mô cầu, năm 2023, Quỹ nghiên cứu về bệnh viêm màng não, Liên đoàn các tổ chức phòng chống bệnh viêm màng não (CoMO) và Sanofi đã ra mắt lá cờ đẩy lùi bệnh viêm màng não. 

Vì sao viêm màng não do não mô cầu nguy cơ tử vong, di chứng cao?- Ảnh 5.

Lá cờ là biểu tượng đầu tiên trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh này với sự đồng hành của ba vận động viên Ellie Challis (Anh), Théo Curin (Pháp) và Davide Morana (Ý), những người từng chịu di chứng sau mắc viêm màng não từ khi 16 tháng, 6 tuổi và 24 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.