Trong lịch sử, Windows đã ghi nhận một số vấn đề bảo mật đáng kể, bao gồm MS10-046 cho phép thực thi mã từ xa nếu biểu tượng của một phím tắt thiết kế đặc biệt được hiển thị; các tệp ảnh JPEG bị nhiễm MS04-028 có thể được sử dụng để thực thi mã độc; CVE-2021-34527 được gọi là PrintNightmare đã biến trình quản lý máy in của Windows thành mục tiêu tấn công của tin tặc; hay lỗ hổng bảo mật MS03-026 được sâu Blaster nổi tiếng sử dụng và hoành hành vào đầu những năm 2000.
Những lỗi này đã được vá từ lâu cùng với hàng ngàn lỗi khác thông qua các bản cập nhật Windows thường xuyên trước khi chúng bị khai thác. Điều này có thể dẫn đến việc một số người coi Windows không an toàn, tuy nhiên mọi thứ hầu hết sẽ chỉ xảy ra nếu người dùng tiếp tục sử dụng phiên bản hệ điều hành lỗi thời.
Ví dụ Windows XP, 7 và 8 đều là những sản phẩm đã ngừng sản xuất, không nhận được hỗ trợ hoặc bản vá bảo mật và không được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ an ninh. Nếu đang sử dụng các phiên bản Windows cũ này, người dùng phải tự chịu 100% rủi ro. Hiện tại, chỉ có Windows 10 và 11 được Microsoft hỗ trợ và nhận được các bản cập nhật bảo mật thường xuyên.
Dĩ nhiên, không có phần mềm nào an toàn 100%, đặc biệt là thứ phức tạp như hệ điều hành. Tuy nhiên, Windows có các biện pháp mạnh mẽ giúp bảo vệ người dùng và ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật bị khai thác. Hầu hết biện pháp này được bật theo mặc định và người dùng thậm chí có thể không biết rằng chúng đang bảo vệ họ ở chế độ nền, chúng gồm Exploit Protection, Virtualization, Credential Guard, Microsoft Defender, SmartScreen và Smart App Control. Tất cả những điều này được thực hiện kết hợp với Secure Boot, mã hóa ổ đĩa BitLocker và xác thực Windows Hello để bảo vệ thiết bị trong trường hợp bị mất hoặc bị đánh cắp.
Vì vậy, người dùng Windows không nên quá lo lắng, miễn là họ đang sử dụng phiên bản Windows được hỗ trợ, nó sẽ chủ động bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công mạng bằng các biện pháp tiêu chuẩn của ngành. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không có ý nghĩa gì nếu bắt nguồn từ chính người dùng nếu họ ghi đè hoặc vô hiệu hóa các biện pháp bảo vệ an ninh này, không cập nhật hệ điều hành và ứng dụng cũng như không tuân thủ các biện pháp bảo mật an ninh mạng tốt nhất. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại hoặc dữ liệu bị hack.
Xét cho cùng, điều quan trọng nhất người dùng nên làm để giữ cho PC của mình an toàn trước các lỗ hổng bảo mật là cập nhật thường xuyên bằng cách kiểm tra Windows Update. Họ cũng chỉ nên tải xuống phần mềm từ các nguồn đáng tin cậy (cài đặt ứng dụng từ Microsoft Store là lựa chọn tốt) và đảm bảo đang sử dụng giải pháp chống virus đáng tin cậy nếu cảm thấy không hài lòng với Windows Defender. Bên cạnh đó tìm hiểu về an ninh mạng sẽ giúp người dùng hiểu được các rủi ro và hướng dẫn phát hiện các vấn đề bảo mật tiềm ẩn trước khi chúng có thể gây ra bất kỳ tác động nào.
Bình luận (0)