Trong lễ độc lập ngày 2.9.1945 tại Hà Nội, nữ đội viên Vi Thị Hồng Nhung được giao nhiệm vụ cầm lá cờ đỏ sao vàng đứng trước hàng quân danh dự. Hôm đó, người chỉ huy duyệt binh mừng độc lập là Chi đội trưởng (tương đương trung đoàn trưởng) Đàm Quang Trung. Sau này ông bà nên duyên, đã cùng nhau đi hết cuộc trường chinh của hành trình giải phóng dân tộc, giữ vẹn lời thề độc lập. Ông Đàm Quang Trung trở thành thượng tướng Quân đội nhân dân VN, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó chủ tịch nước), Tư lệnh Quân khu 1 trong nhiều năm liền.
"Tôi giác ngộ cách mạng là nhờ có đồng chí Đức Xuân dìu dắt. Cuối năm 1943, khi đó phong trào cách mạng địa phương chưa có. Tôi được gặp đồng chí Đức Xuân phụ trách giao làm công tác dân/binh vận địa phương huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn". Bà Vi Thị Hồng Nhung mở đầu bản tự thuật của mình vào năm 1988 gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy.
Sinh trưởng tại xã Chiến Thắng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, năm 1943 bà Nhung được cán bộ Đức Xuân giác ngộ tham gia cách mạng. Ông Đức Xuân, tên thật là Nông Văn Đàn, người xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Năm 1943, các đội xung phong Nam tiến đã đến với nhân dân huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Quần chúng các xã Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, Quân Bình nô nức gia nhập Hội Cứu quốc và Mặt trận Việt Minh. Là tổ trưởng tổ tuyên truyền xung phong Nam tiến, tháng 12.1943 ông Đức Xuân từ Cao Bằng xuống xã Quân Bình để mở rộng cơ sở cách mạng. Đầu năm 1944, thực dân Pháp đã sát hại ông trong một trận khủng bố vào cơ sở cách mạng xã Quân Bình. Hiện nay, tại thành phố Bắc Kạn, theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền đã đặt tên phường Đức Xuân để tưởng nhớ công lao của ông.
Năm 1945, bà Hồng Nhung được học lớp chính trị quân sự do ông Hoàng Sâm huấn luyện. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của ông Mai Trung Lâm, bà được cử dạy nữ tự vệ và làm công tác tổ chức chính quyền địa phương tại huyện Bạch Thông.
Thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng, bà Vi Thị Hồng Nhung theo Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân về căn cứ địa Tân Trào. Lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc phát ra, bà theo đại đội Hồng An về Thái Nguyên đánh đồn do phát xít Nhật đóng giữ. "Tôi đã cùng anh Hồng An về Gia Sàng để hỏi cung một tên lính Nhật. Sau đó, đơn vị tôi được lệnh hành quân về Từ Sơn và Gia Lâm để chuẩn bị vào Hà Nội", bà Vi Thị Hồng Nhung thuật lại.
Đoàn quân giải phóng qua cầu Long Biên vào nội đô. Bước chân của họ đã lần lượt qua chợ Đồng Xuân, phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hồ Gươm... Trời đã tối hẳn, dưới ánh điện, họ vẫn thấy cờ đỏ sao vàng cùng các khẩu hiệu mừng chiến thắng treo khắp các phố phường. Hai bên hè phố vẫn còn thấy rõ những người cầm cờ đứng đợi đón đoàn quân. Trong ký ức của bà Vi Thị Hồng Nhung hôm đó: "Chúng tôi tập kết tại trại Bảo an binh, đối diện với rạp chiếu bóng Majestic (ngày nay là rạp Tháng 8)".
Đêm đầu tiên giữa lòng Hà Nội, cả tiểu đội nữ thao thức không sao ngủ được. Về thủ đô trong không khí chiến thắng, họ nhớ lại sự cưu mang của đồng bào trên các bản làng giữa những tháng năm dài đằng đẵng luôn thấp thỏm lo sợ khủng bố, đốt làng, giết hại cán bộ và quần chúng cách mạng.
Được tin Quân giải phóng từ chiến khu về, đồng bào thủ đô đã hồ hởi kéo đến nơi đơn vị đóng quân để thăm hỏi. Tiểu đội nữ chiến sĩ vui vẻ tiếp đón đồng bào các giới của Hà Nội đến thăm. Chuyện chiến khu, chuyện đánh Tây, đánh Nhật, chuyện trong lòng Hà Nội, chuyện nhà tù, rồi cùng hát những bài ca cách mạng, vang lên giòn giã. Tiếp đó là những ngày đi lại tham quan phố phường, danh lam thắng cảnh của thủ đô. Những nữ chiến sĩ Quân giải phóng đã mau chóng quen thân nhau với nhân dân Hà Nội. Được các mẹ, các chị tặng cho nhiều quà, họ cảm ơn song chỉ nhận chút ít để vừa lòng các mẹ, các chị.
"Sau ngày 2.9.1945, tôi được phân công huấn luyện nữ tự vệ thành phố ở Hàng Trống (nay là khách sạn Phú Gia)", bà Vi Thị Hồng Nhung kể. Trên chặng đường hoạt động cách mạng, bà đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì… (còn tiếp)
"Lần đầu tiên sống trong ánh điện, mắt nhìn thấy phố xá đông đúc, nhà cửa san sát, đẹp đẽ, tôi bồi hồi nhớ lại những ngày ở chiến khu. Vui mừng phấn khởi, nhưng cũng không khỏi cảm thấy chạnh lòng nhớ tới quê hương núi rừng. Bố mẹ tôi, các bạn tôi giờ làm gì, ở đâu, không biết có hình dung được tôi đang ở đây như thế nào không? Nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi khóc vì hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta đã chiến thắng".
(Hồi ký của bà Đàm Thị Loan)
Bình luận (0)