Ý tưởng điên rồ và công ty thiết kế xuất sắc
Bản vẽ thiết kế cầu qua sông Hồng sẽ được trưng bày trong triển lãm Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 và Viện Viễn Đông Bác cổ tổ chức từ ngày 14.12.2022 - 15.6.2023. Triển lãm cũng có tư liệu bổ sung từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 và Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM). Năm nay, cây cầu “vắt” qua 3 thế kỷ này tròn 120 tuổi (1902 - 2022). Đây chính là bản thiết kế trong đồ án B của Công ty Daydé et Pillé, đã thắng thầu trong cuộc tuyển chọn nhà thầu xây cầu qua sông Hồng.
Khánh thành làn đường bộ trên cầu Doumer năm 1924 |
tư liệu của ANOM |
Theo tư liệu triển lãm, cuộc tuyển chọn nhà thầu xây cầu qua sông Hồng đã được tiến hành năm 1897, ngay sau khi Toàn quyền Paul Doumer đến Hà Nội. Có 6 công ty lớn của Pháp tham gia gồm: Levallois-Perret, Daydé et Pillé, Schneider et Cie (Creusot), Fives-Lille, Baudet Donon Paris và Công ty cầu và công trình thép (Joret). Tuy nhiên, sau đó chỉ còn 2 công ty tham gia cuộc đua là Levallois-Perret và Daydé et Pillé. Sau cùng, Công ty Daydé et Pillé, vốn nổi tiếng trong lĩnh vực cầu và công trình kết cấu thép, đã giành chiến thắng. Lý do là bởi, ngoài các giải pháp kỹ thuật đã đề xuất, mức giá dự thầu của công ty không vượt quá hạn mức kinh phí quy định là 5,5 triệu franc cho riêng cây cầu.
Ý tưởng về cây cầu bắc qua sông Hồng này khi đó, theo tư liệu tại triển lãm, được cho là “điên rồ” vì sông Hồng quá lớn, lại nổi tiếng lũ lụt thất thường. Tuy nhiên, Hà Nội cần cây cầu này để duy trì vị thế và các hoạt động thương mại của thành phố.
Họ đã chọn kỹ thuật dầm hẫng để xây dựng cầu vì nó giúp các nhịp cầu dài và nhẹ hơn. Cây cầu có 19 nhịp với 20 trụ xây ở độ sâu hơn 30 m dưới mực nước thấp nhất. Tổng chiều cao cây cầu là 61 m. Cây cầu có 2 nhịp 2 đầu dài 78,7 m và 9 nhịp dài 75 m, xen kẽ với 8 nhịp dài 106,2 m. Các kết cấu quan trọng nhất, dầm thép và bu lông được chuyển từ Pháp sang và sau đó được công nhân VN lắp ráp tại chỗ khi thi công. Cây cầu tiến từng chút một qua sông và khi kết thúc dài 1.682 m.
Cầu Long Biên bị bom Mỹ tàn phá khoảng năm 1966 - 1967 |
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 |
“Trưởng thành” qua tháng năm
Tại triển lãm Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, hình vẽ về kỹ thuật đào móng cũng được công bố. Theo đó, việc đào móng xây trụ cầu là một công đoạn khó nhất được tiến hành ở độ sâu tới 30 m bằng phương pháp do kỹ sư Jacques Triger sáng chế ra. Đây là phương pháp tương tự được sử dụng vài năm trước đó để làm móng cho cầu Brooklyn ở New York và tháp Eiffel ở Paris.
Công trình khai móng vào tháng 9.1898 và ngay lập tức gặp trở ngại đầu tiên - mực nước sông Hồng tăng thêm 8 m vào mùa mưa lũ với tốc độ dòng chảy là 4 m/giây. Đây là lý do tại sao công trình được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 6 và dừng thi công trong thời gian lũ lụt.
Cây cầu được xây dựng vượt tiến độ trong 3 năm 7 tháng. Trước đó, thời hạn xây dựng được cho là 5 năm. Chi phí thực tế để xây dựng cầu là 6,2 triệu franc. Cây cầu được đặt theo tên của Paul Doumer, người khởi xướng dự án xây dựng này.
Đồ án B của Công ty Daydé et Pillé tham gia cuộc tuyển chọn nhà thầu và đã được chọn |
Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 |
Tại triển lãm, thông tin cũng cho thấy cầu còn được mở rộng, nâng cấp nhiều lần. Lúc đầu, cầu chỉ được thiết kế dành cho đường sắt, có vỉa hè nhỏ cho người đi bộ, xe kéo và xe đạp nên ô tô phải qua sông bằng phà. Vì thế, mở rộng làn được thực hiện lần đầu từ 1922 - 1923. Sau đó, cầu lại mở rộng lần tiếp theo vào năm 1924 với quy tắc xe đi bên phải, người đi bộ theo hướng ngược lại, cấm các phương tiện trên 3 tấn và tốc độ tối đa là 15 km/giờ. Tới năm 1937, cầu lại được thay ván sàn gỗ bằng bê tông cốt thép.
Năm 1945, cầu Doumer được đổi tên thành Long Biên. Kể từ năm 1946, lưu lượng giao thông trên cầu không ngừng tăng lên, hơn 400 phương tiện mỗi giờ, chưa kể các phương tiện quân sự Pháp quá nặng, đi quá nhanh. Sức ép quá tải trong suốt những năm 1947 - 1972, cộng thêm bom Mỹ khiến cầu bị phá hủy và chính phủ VN phải sửa chữa nhiều lần. Hiện tại, cầu không giữ được thiết kế ban đầu. Những bức ảnh tại triển lãm cho thấy những thời điểm cầu bị chiến tranh tàn phá.
Cũng tại triển lãm, nhiều tình cảm yêu thương đã được gửi gắm dành cho cây cầu. Đó là bức bưu thiếp về cầu Long Biên được một người Pháp tặng nhân viên của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 được đưa ra trưng bày. Bên cạnh đó, mô hình cầu Long Biên bằng tre cũng được nghệ sĩ trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. Có 5 nhiếp ảnh gia đã gửi ảnh chụp cầu để cùng lưu giữ lịch sử cầu Long Biên.
Bình luận (0)