Hẹ có tên khoa học là Allium ramosum (dạng hoang dã) hay Allium tuberosum (dạng gieo trồng), thuộc họ hành, là cây thảo nhỏ sống nhiều năm, cao 20-50 cm, thân mọc đứng. Lá ở gốc thân, hình dải phẳng hẹp, có rãnh, dài 15-30 cm, rộng 1,5-7 mm. Mùi vị của hẹ là trung gian giữa tỏi và hành tăm. Người ta còn dùng hẹ như hành hay tỏi để chữa nhiều bệnh từ thông thường đến phức tạp.
Lá hẹ có vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có hợp chất sulfur, saponin, chất đắng và hoạt chất adorin tác dụng kháng khuẩn mạnh chống tụ cầu và các vi khuẩn khác. Lá hẹ còn chứa nhiều chất xơ, đạm, đường, vitamin C, vitamin A, calcium, phosphor... 100g hẹ có thể cung cấp khoảng 25 calori. Chất xơ trong hẹ cũng được ghi nhận có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ vữa động mạch, bảo vệ tuyến tụy, một số bệnh có liên quan đến lão hóa và vài bệnh ung thư như ung thư thực quản, ung thư dạ dày.
Hẹ là thức ăn - vị thuốc có tác dụng tốt nhất về mùa xuân. Vào thời điểm này, chất lượng làm thuốc của hẹ cao hơn. Theo Đông y, hẹ nằm trong nhóm thức ăn bổ khí, có công dụng tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm, nhuận tràng nhẹ và trợ tiêu hóa. Theo dân gian, người ta lấy lá hoặc rễ hẹ sắc lấy nước uống để trị giun kim; dùng lá hẹ hấp với đường đặt trong nồi cơm hoặc đun cách thủy lấy nước cho trẻ em bị ho uống. Hẹ có thể bảo quản được 3-4 ngày trong hộc tủ lạnh. Lưu ý: hẹ kỵ với mật ong và thịt trâu.
M.Quân
Bình luận (0)