Vị tướng có biệt tài thu phục nhân tâm

30/12/2013 03:30 GMT+7

Với trái tim luôn ấm nồng tình người, tấm lòng trong sáng đến lạ thường và phong thái gần gũi, giản dị nhưng sâu sắc và nhạy bén, Đại tướng đã xử lý được rất nhiều vấn đề phức tạp đặt ra cho cách mạng.

Với trái tim luôn ấm nồng tình người, tấm lòng trong sáng đến lạ thường và phong thái gần gũi, giản dị nhưng sâu sắc và nhạy bén, Đại tướng đã xử lý được rất nhiều vấn đề phức tạp đặt ra cho cách mạng. 

 Vị tướng có biệt tài thu phục nhân tâm
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Bác Hồ ở Việt Bắc - Ảnh: Tư liệu

Hóa giải mâu thuẫn lương - giáo

Câu chuyện mà thiếu tướng Đặng Văn Duy kể dưới đây là minh chứng cho cách giải quyết công việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh:

Vào những năm 1957 - 1958, địch liên tục tung nhiều toán thám báo, biệt kích ra hoạt động phá hoại miền Bắc. Chúng len lỏi vào các vùng công giáo (Thiên Chúa giáo) ở Khu 4, gây ra mâu thuẫn giữa đồng bào lương giáo làm ảnh hướng đến an ninh trật tự. Có nơi đã dấy lên không khí căng thẳng với những làn sóng kêu gọi “tử vì đạo”, nổi lên khống chế, bắt cóc cán bộ cơ sở, gây ra xung đột rất căng thẳng.

Quân đội được Trung ương giao nhiệm vụ khẩn trương khắc phục cho được tình trạng đó. Anh Thanh triệu tập những cán bộ có trách nhiệm ở Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị đến nắm tình hình và bàn thảo kế hoạch. Sau khi nghe đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo phương án sử dụng quân chủ lực, anh Thanh nêu câu hỏi: “Ta còn cách nào khác nữa không?”. Cục trưởng Cục Tác chiến trả lời: “Chỉ có cách này mới nhanh chóng giải quyết được tình hình khẩn trương phức tạp đang xảy ra”. Suy nghĩ một lát, anh Thanh nói: “Sử dụng vũ lực vũ trang vào việc này là tối hạ sách, các đồng chí suy nghĩ kỹ thêm, ta sẽ tiếp tục bàn”. Và sau khi trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Thanh đã vạch ra những việc làm cụ thể, như “Không được nổ súng; Đánh vào dân là điều tuyệt đối cấm kỵ của quân đội; Phải nắm thật chắc tình hình, tổ chức tóm gọn những tên cầm đầu; Sử dụng lực lượng tại chỗ, không đưa quân chủ lực đến; Phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền giải thích trong dân, nhất là đồng bào công giáo...”.

Sau khi quán triệt phương châm ấy, đích thân Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh vào Nghệ An để nói chuyện với đồng bào. Tại vùng công giáo của Nghệ An, ông đã cho mời tất cả đồng bào công giáo và lương giáo đến nói chuyện. Bước vào câu chuyện, ông chia sẻ: “Các cụ, các bác ở đây dù công giáo hay không công giáo thì cũng đều là người Việt Nam cả. Mà người Việt Nam mình có cái gì đáng tự hào, các cụ có biết không, đó là rất thương yêu nhau. Vì ai cũng mang dòng máu Việt cả. Máu chảy thì ruột mềm...”. Khi mọi người bắt đầu bớt căng thẳng, ông nói: “Các cụ, các bác có muốn nghe tôi nói chuyện tiếp không?”. Cả hội trường đồng thanh: “Dạ muốn nghe tiếp ạ!”. Ông bước xuống và nói tiếp: “Bây giờ các cụ không đứng riêng công giáo một bên, lương giáo một bên nữa mà phải đứng xen vào nhau và phải choàng tay với nhau đoàn kết hòa hợp, tôi mới nói chuyện tiếp” - Vừa nói ông vừa cầm tay những người đứng bên này dắt sang bên kia, rồi cầm tay người kia bắt ôm choàng người này. Mọi người lúc đầu còn ngỡ ngàng, nhưng sau xích lại gần nhau, thân mật và vui vẻ.

Những mâu thuẫn gay gắt từ đó được hóa giải. Thiếu tướng Đặng Văn Duy gọi câu chuyện này là “một trận đánh tuyệt vời” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đại tướng công minh

Trong giai đoạn cải cách ruộng đất, ông Duy cũng “dính” vì bố của ông ở quê Hà Tĩnh trước đây có làm lý trưởng. Ủy ban Cải cách ruộng đất của Hà Tĩnh có công văn yêu cầu trả ông Duy về để địa phương xử lý. Người cháu ông Duy là Đặng Duy Báu lúc ấy mới học lớp 5 đã phải đi bộ hàng chục cây số để gửi thư lên Trung ương kêu oan cho gia đình. Trong lần Bác Hồ cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Khu 4 giải quyết tình hình phức tạp do hệ lụy từ cải cách ruộng đất, ông Duy cũng có mặt trong chuyến đi. Ngồi trên xe, Đại tướng nói: “Chú Duy, trên xe này có thư tố cáo và cả thư kêu oan cho chú. Bên phải (Đại tướng chỉ bên vai phải của mình) là thư tố cáo, còn bên này (bên vai trái) là thư kêu oan. Nội dung thư là gì chú không cần biết, nhưng chú cứ yên tâm làm việc”.

Trong chuyến công tác đó, ông Duy được cử xuống nắm tình hình ở hai huyện Nghi Xuân và Nghi Lộc, ông Thái Đình Hàn (Cục trưởng Cục Cung cấp Bộ Tổng tham mưu) nắm tình hình ở 2 huyện Hương Sơn và Hương Khê, còn Đại tướng thì làm việc suốt một ngày với Bí thư Khu ủy Khu 4 Chu Văn Biên cùng 4 cán bộ thường trực của Khu ủy. Từng là Bí thư Khu ủy nên Đại tướng hiểu rất rõ tình hình, Đại tướng đã kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra những oan sai về cán bộ, đảng viên và những người có công với cách mạng, với nhân dân. Trước khi về, Đại tướng còn căn dặn ông Biên: “Về nhân sự, nếu có vấn đề gì quá gấp gáp, khẩn trương thì anh cứ bảo, hãy khoan, để xin ý kiến của Bác đã”.

Ông Duy cho biết không chỉ có mỗi ông mà trong giai đoạn cải cách ruộng đất có tới hơn 300 cán bộ, bộ đội nằm trong danh sách bị Ủy ban Cải cách ruộng đất các địa phương có công văn yêu cầu trả về để xử lý. Hiểu được vấn đề lịch sử để lại, tất cả họ đều xuất thân từ tầng lớp trên nhưng đều là những cán bộ có học thức, giác ngộ cách mạng và tham gia quân đội đã lâu, nhiều người đã lập nhiều chiến công xuất sắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã bảo vệ cho tất cả và không ai bị xử lý.

Ra Hà Nội, Đại tướng đã báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị và từ đó Bộ Chính trị và Trung ương đã họp hội nghị sửa sai trong cải cách ruộng đất, nhờ vậy số cán bộ bị “dính lý lịch” đều được yên ổn.

Bùi Ngọc Long 

>> Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Xây nhà nhân ái trên quê hương đại tướng Nguyễn Chí Thanh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.