>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn
>> Khốn khổ vì hàng rong
>> Hạn chế hàng rong khu trung tâm TP.HCM
>> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?
>> Lực lượng trật tự đô thị phường bị tố đánh người bán hàng rong bất tỉnh
|
Anh trật tự đô thị
Hoàn cảnh gia đình khốn khó, anh bỏ học nửa chừng, sáng sáng phụ mẹ bưng bê dọn dẹp gánh bún bên đường. Thời gian cứ vậy trôi đi, rồi anh cưới vợ, vợ anh thay mẹ già tiếp tục công việc buôn bán vỉa hè kia, và anh cũng tiếp tục phụ vợ bưng bê dọn dẹp. Đó là công việc thường xuyên ổn định nhất của anh, rồi một ngày đẹp trời, anh khoác chiếc áo trật tự phường, ngày ngày cùng một nhóm người đi làm đẹp đô thị.
Ở thành phố nơi tôi ở, hiện nay người ta kiểm tra chéo, có nghĩa là cán bộ trật tự đô thị của phường này giám sát phường kia và ngược lại, cấp quận cũng vậy. Điều này có nhiều ưu điểm, tránh được sự thiên vị người thân, người quen và việc quản lý được công tâm hơn.
Một hôm, trong lúc làm nhiệm vụ nơi phường khác, anh nhận được điện thoại của vợ:
- Ông về mau giúp tôi dọn quán, có trật tự phường đến…, anh tắt máy và thầm văng tục trong miệng.
Nói vậy để hình dung rằng, có rất nhiều người đang làm nhiệm vụ trật tự đô thị kia đang có mẹ, có chị, có vợ… là những người buôn bán vỉa hè và chính anh ta lớn lên từ những nhọc nhằn, khó nhọc đó. Chỉ mong, khi anh đang hăng say công tác trật tự, đang rượt đuổi, đang tịch thu, thậm chí quá bực bội mà đánh người, còng tay người, bắt người thì hãy nghĩ đến mẹ, đến chị, đến vợ, đến những người thân đồng cảnh ngộ mà bình tĩnh có cách xử lý cho hợp tình, hợp lý. Làm đẹp đô thị cũng cần có văn hóa.
Đi cùng các anh bao giờ cũng có một cán bộ chỉ huy, một công an phường, họ có đủ năng lực để nhận biết những tình huống pháp luật, sao lúc nào cũng thấy các anh “hung hăng” quá vậy.
Ở địa phương tôi, trước đây những người bán dạo thường bán ốc hút, các anh dân phòng, trật tự đuổi bắt, tịch thu được nồi ốc thơm phức cay xè nóng hổi - tài sản mưu sinh của người bán dạo, các anh mang về… mút chùn chụt rồi cười đùa với nhau.
Người “mất của” chỉ biết đứng từ xa chửi đổng và tìm cách làm lại từ đầu.
Nét văn hóa lâu đời
Xem lại những bức ảnh, những hình vẽ thời Pháp thuộc, chân dung người làm trật tự ngày nay trông oai hơn, có đồng phục, có xe máy, có xe ô tô, có loa cầm tay… nhưng tính “cường hào” thì vẫn vậy. Bán dạo, bán vỉa hè, gánh hàng rong xưa nay đều đại diện cho cái nghèo, cái khổ, một hình thức mưu sinh rất lâu đời, đôi quang gánh và chiếc thúng chẳng khác xưa là mấy.
Hình thức buôn bán thô sơ mộc mạc ấy từ lâu đã đi vào thơ ca, văn học, kịch họa, phim ảnh… và trong tâm thức của bao nhiêu trái tim Việt. Hình ảnh người cha, người mẹ, người vợ, người anh, người chị… tần tảo, lam lũ đã nuôi dưỡng dạy dỗ biết bao con người thành danh, kiệt xuất. Đã ai từng thống kê có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức, nhà khoa học, nhà lãnh đạo… trưởng thành từ “chiếc nôi” người bán dạo, gánh hàng rong… Chắc là nhiều, nhiều lắm vì đó là phương thức sinh nhai quen thuộc và lâu đời của người dân nghèo nước mình, mà nghèo thì bao giờ cũng chiếm số đông.
|
Ai đã từng “thưởng thức” gánh chè đậu ván trong bài diễn văn của ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, trong dịp nhận giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh năm 2012 mới “thấm thía” cái triết lý của giới cần lao vô danh âm thầm chịu thương chịu khó kia, một triết lý không đối lập gay gắt, không cực đoan, một triết lý kết hợp kỳ diệu lạ lùng vừa bình dân vừa quý phái.
Nếu như “gánh chè đậu ván”… làm nên văn hóa Hội An, thì hình ảnh những người bán dạo, bán vỉa hè, bán hàng rong làm nên văn hóa Việt. Sẽ có người cho đó là lộng ngôn, nhưng hãy nghĩ xem, du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam họ quan sát và lưu lại những gì, rất nhiều, rất nhiều những cảnh sinh hoạt đời thường đặc trưng của dân bản địa mà hình ảnh gánh hàng rong, người bán dạo là dễ dàng đập vào mắt họ nhất, để lại nơi họ những ấn tượng đậm nét trong quá trình thưởng ngoạn. Và vô hình trung, đó cũng là cách quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam đơn giản nhất và hiệu quả nhất.
Vỉa hè và du khách tạo nên một sự tương tác rất lớn mà lợi và hại, được và mất lại là một ranh giới mong manh.
Ánh sáng văn minh đô thị
Bài toán vỉa hè là một bài toán rất khó ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Trên phim ảnh, cảnh tượng “kẻ đuổi người chạy” như báo chí đang phản ánh là không thiếu, dân ta trước đây nghiện phim Hồng Kông, bây chừ nghiện phim Hàn, hai “ngôi sao” kinh tế, điện ảnh của châu Á vẫn thường đặc tả sinh động những thước phim đời thường ấy bên cạnh sự xa hoa trang lệ của phố hội đô thành.
Việc bán hàng rong, bán dạo, chiếm dụng lề đường, vỉa hè và ngay cả trong những con kiệt, ngỏ hẽm là hình ảnh thật sự thân quen đối với mọi người dân trong cả nước, không một con đường nào ít nhiều thiếu đi sự “lấp ló” của những người mưu sinh như vậy. Từ quan to đến dân thường, ai cũng tồn tại trong tiềm thức một vài ba quán cà phê, ăn sáng vỉa hè quen thuộc, và thực tế có những quán “bên đường” hay “góc phố” tồn tại hàng chục năm, đời này truyền qua đời khác, nhiều người đi xa cố hương đã lâu chợt nhớ đến hình nhân, khung cảnh, hương vị xưa mà tìm đến, tìm về. Vì thế, nếu ai đó có ý nghĩ xóa bỏ luôn hình ảnh buôn bán vỉa hè là một điều không tưởng.
Đã vậy, chưa có nền kinh tế nào trên thế giới dám “vỗ ngực xưng tên” là đảm bảo được công ăn việc làm cho hầu hết người lao động và đối với Việt Nam hiện này thì chẳng ai dám mơ đến. Chính việc bán hàng rong, bán dạo, bán vỉa hè đã tạo không biết bao nhiêu công ăn việc làm, góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, đóng góp đáng kể vào con số GDP hằng năm của cả nước. Có người còn ngạc nhiên hỏi rằng, khủng hoảng kinh tế mà sao thấy Việt Nam vẫn “bình thường” thế, xin thưa đó là nhờ rất nhiều vào nền kinh tế “phi chính thức” vỉa hè, lề đường đã làm chậm quá trình “nổ bom” của nó đấy ạ!
Nhưng, hình ảnh một đô thị hiện đại văn minh sạch đẹp mà cứ thấy nháo nhác, chụp giựt, lôi kéo, la hét của những người bán hàng rong, bán dạo, bán vỉa hè ở những nơi công cộng thì thật là phản cảm. Không thể cảm tình nổi khi thấy những cảnh tượng ấy ở trường học, bệnh viện, công viên, rạp chiếu bóng, nhà ga, chùa chiền, cổng chợ… Nhưng sẽ phản cảm hơn nếu những người làm công tác trật tự, làm đẹp đô thị lại rượt đuổi, đánh đập, còng tay, tịch thu không giấy tờ, không biên bản, bất chấp đạo đức, bất chấp luật pháp tài sản của người buôn bán nhỏ lẻ, bần cùng. Điều mà người dân bức xúc là câu chuyện phản cảm đó xảy ra như cơm bữa, và bất kì người nào tham gia giao thông trên đường phố đều ít nhất nhìn thấy một vài lần cảnh tượng “rượt đuổi” ấy, họ phẫn nộ vì những kẻ mới có tí “quyền lực” đã vội “suy thoái”, hung hăng quá đà đối với những người “được cho” là rất nghèo, rất khổ trong xã hội.
Để khắc phục tương đối bài toán khó này, trước tiên chính quyền cần phải chấn chỉnh đội ngũ làm công tác trật tự đô thị, nâng cao ý thức hiểu biết pháp luật và quyền con người trong thực tiễn hiện nay. Tạo sự công bằng trong việc quản lý bằng hình thức quản lý chéo, nhân sự của địa phương này kiểm tra địa phương kia và ngược lại. Định hình những không gian hợp lý có thể, quy định giờ giấc, tiếng ồn, vệ sinh an toàn thực phẩm, mức thuế phù hợp, hướng dẫn người dân bán dạo, bán hàng rong, vỉa hè làm cam kết thực hiện đúng. Đối với những công dân đã định cư ổn định lâu dài ở địa phương, có đăng kí tạm trú tạm vắng… thì điều này không đến nổi là quá khó.
Vấn đề nan giải ở đây là lượng di dân cơ học từ nông thôn, miền núi… lên thành thị mỗi năm mỗi tăng và rất khó có thể quản lý được những công dân này. Thực tế buộc họ phải vậy, lên đô thành tìm kiếm cơ may, chứ nhiều người ở quê có khi cả tháng không kiếm ra nổi một đồng. Chỉ khi nào có những điều chỉnh hợp lý về mặt vĩ mô của nhà nước thì may ra mới hạn chế được lượng người di dân cơ học này. Phải chăng đó là chú trọng đẩy mạnh hiện đại hóa nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp, tạo môi trường việc làm và phát triển dịch vụ ngay chính tại những địa phương ấy.
Khi chưa có những điều chỉnh kịp thời của chính sách vĩ mô thì lượng di dân cơ học về các thành phố lớn tất yếu vẫn xảy ra, và người bán dạo, bán hàng rong, buôn bán vỉa hè sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Cuối cùng, tôi cũng có một niềm tin nhỏ nhỏ rằng những người bán hàng rong, bán dạo, bán vỉa hè ai cũng muốn xây dựng thương hiệu riêng cho mình và ai cũng muốn việc buôn bán được thuận lợi dài lâu phát đạt. Vì thế, đừng thành kiến rằng họ sẽ “chơi bẩn, chơi ẩu, chơi liều” lừa gạt trong “giao dịch”, ở đời phòng được người ngay chứ khó phòng được kẻ gian. Nếu đã là kẻ gian, ở bất kỳ môi trường nào họ cũng sẽ gian, và khi đó, chỉ còn biết trong mong vào vận may của chính mình và nhờ cậy sự công bằng của pháp luật. Ánh sáng văn minh đô thị vẫn còn mãi những tiếng rao quen thuộc, tiếng của những người bán hàng rong...
MP
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, là một người viết tự do đang sống tại Đà Nẵng
, MP
Bình luận (0)