Hà Nội là thành phố gắn liền với các dòng sông, tuy nhiên những năm trở lại đây tốc độ đô thi hóa nhanh, nhiều dòng sông đã bị lấn chiếm hành lang, bức tử bởi nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý khiến các dòng sông này bị ô nhiễm trầm trọng.
VIDEO: 4 DÒNG SÔNG 'CHẾT' CHỜ GIẢI CỨU - Thực hiện: Đình Hiếu
|
Sông Tô Lịch hay còn gọi là Kim Giang, gắn liền với lịch sử Thủ đô, là một trong bốn sông cổ của tứ giác Thăng Long xưa. Ngày nay sông Tô Lịch kéo dài khoảng 14 km, chảy qua nhiều quận nội thành của thành phố như Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch hợp với sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét tạo nên hệ thống tiêu thoát nước quan trọng của Hà Nội. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm của con sông này luôn đặt ở tình trạng báo động, nước thải từ các hộ sinh hoạt đổ ra đen ngòm bốc mùi hôi thối quanh năm. Chỉ đến mùa mưa ở Hà Nội thì tình trạng ô nhiễm mới thuyên giảm tuy nhiên chỉ được vài ngày, tình trạng ô nhiễm lại trầm trọng. Sông Nhuệ tức Nhuệ Giang là một con sông nhỏ thuộc phụ lưu sông Đáy, có chiều dài khoảng 76 km chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam và Hà Nội.
Trong đó điểm bắt đầu của sông từ cống Liên Mạc thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội điểm kết thúc là cống Phủ Lý tỉnh Hà Nam trước khi hợp lưu vào sông Đáy.
Ông Nguyễn Minh Khai (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tình trạng ô nhiễm của dòng sông đã kéo dài cả thập kỷ nay, càng nhiều nhà máy, càng nhiều khu đô thị mọc lên thì con sông này càng ô nhiễm nặng nề". Ông Khai và gia đình sống ngay cạnh con sông này đoạn chảy qua phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thường xuyên phải chịu mùi xú uế bốc lên từ dòng sông. Cũng theo người dân sống dọc theo con sông Nhuệ này, chuyện đổ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông là một phần còn một phần rất lớn là ý thức của người dân rất kém.
tin liên quan
Gần 1.000 người tình nguyện dọn rác sông Tô LịchSáng 16.4, gần 1.000 người đã tham gia Ngày chủ nhật xanh dọn rác trên sông Tô Lịch (Hà Nội).
Hai bên sông người dân thi nhau lấn chiếm hàng lang sông, các loại rác thải từ sinh hoạt đến phế liệu xây dựng cũng đổ ra sông.
Trong khi đó Sông Đáy là một trong những con sông dài nhất miền Bắc, chảy qua nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Đoạn chảy qua Hà Nội, sông Đáy là dòng chảy chính của lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Ghi nhận tại quận Hà Đông (Hà Nội) là quận có sông Đáy chảy xuyên qua. Người dân tại đây cho biết sau một vài trận mưa lớn và liên tục vài ngày nay tình trạng ô nhiễm của dòng sông này đã giảm bớt. Còn ở mùa khô thì dòng sông này ô nhiễm nặng nề.
Ông Phùng Toàn Thắng (phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi sống ở đây đã được 40 năm, cả tuổi thơ tôi gắn liền với con sông này trước kia tha hồ mò cua bắt ốc, câu cá nhưng giờ sông ô nhiễm đặc biệt là mùa khô nước cạn, mùi rất khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi”.
Chính vì các dòng sông này quá ô nhiễm, mới đây Ban thường vụ Thành Ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Trong đó tập trung xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh quan xử lý môi trường nước, từng bước làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy là một trong những mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết.
Dưới đây là cận cảnh những con “sông chết” bao quanh Thủ đô:
Bình luận (0)