Bầu cử Mỹ 2020: 5 khoảnh khắc trong tranh luận tổng thống khiến 'gió đổi chiều'

23/10/2020 07:31 GMT+7

Tại các cuộc tranh luận tổng thống ở mỗi kỳ bầu cử, có những khoảnh khắc quan trọng đã khiến tiến trình của cuộc chơi thay đổi. Và sau đây là 5 khoảnh khắc nổi bật.

Trước ngày bầu cử chính thức, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ thông thường sẽ có 3 lần tranh luận trực tiếp, để trình bày về quan điểm, chính sách của mình nhằm thu hút những cử tri còn lưỡng lự, chưa quyết định bầu cho ai.
Nhưng thật ra, chú ý của dư luận hầu như không tập trung vào chính sách của ứng cử viên. Thay vào đó, truyền thông và cử tri khi nói về các cuộc tranh luận thường theo hướng bình luận người thắng và người thua. Dưới đây là 5 khoảnh khắc trong các cuộc tranh luận tổng thống có tác động to lớn đến chiến dịch bầu cử và kết quả.

1960: Kennedy-Nixon

Mục tiêu của ông Kennedy khi tham gia tranh luận là xoa dịu nỗi quan ngại của cử tri rằng ông còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để làm tổng thống. Ở phía ngược lại, ông Nixon muốn nhấn mạnh kinh nghiệm đối ngoại của mình trong các quảng cáo chiến dịch.

Ông John F. Kennedy và ông Richard Nixon tại buổi tranh luận tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ

Reuters

Trong khi Kennedy tỏ ra thoải mái và tự tin trước ống kính truyền hình, Nixon lại cương quyết không chịu trang điểm, đổ mồ hôi trước ánh đèn máy quay và đôi khi chuyển mắt liên tục, không biết nhìn vào đâu. Cuộc tranh luận đã xóa tan hình ảnh non nớt của ông Kennedy, xóa đi mặc định rằng ông chưa sẵn sàng làm tổng thống.

1980: Carter-Reagan

Tại cuộc tranh luận, ông Carter cố gắng làm nổi bật hình ảnh ông Reagan trong vai trò diều hâu hiếu chiến sẵn sàng khai chiến hạt nhân. Nhưng Reagan đã lội ngược dòng trong khoảnh khắc đáng nhớ nhất.
Sau khi ông Carter nhắc đến việc ông Reagan phản đối trợ cấp y tế Medicare, ông Reagan nghiêng đầu, mỉm cười và nói, “Ông lại lôi chuyện đó ra nói rồi”, khiến khán giả bật cười. Sự hài hước này khiến ông Carter không thành công trong việc khắc họa hình ảnh ông Reagan là người nguy hiểm.

1984: Reagan-Mondale

Trước cuộc bầu cử năm 1984, ông Reagan khi đó 73 tuổi, đã là tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Mỹ. Tuổi tác là một vấn đề tiềm ẩn gây lo ngại đối với cử tri. Trong cuộc tranh luận thứ hai, người dẫn chương trình đã hỏi ông Reagan rằng liệu tuổi tác có nên là một vấn đề trong chiến dịch tranh cử hay không.

Khoảnh khắc ông Mondale bật cười sau câu trả lời dí dỏm của ông Reagan tại buổi tranh luận

Ảnh chụp màn hình

Ông trả lời “Tôi sẽ không coi tuổi tác là một chủ đề của chiến dịch này. Tôi sẽ không lợi dụng sự non trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của đối thủ cho mục đích chính trị.” Ai cũng bật cười - kể cả Mondale, và câu đùa này được nhắc lại nhiều lần sau đó Cuối cùng, ông Reagan đã tái đắc cử.

1992: Bush-Clinton-Perot

Đương kim Tổng thống George H.W. Bush cần phải xóa đi hình ảnh xa rời thực tế của nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, ông Clinton nổi tiếng khi chia sẻ với với một cử tri buồn bã rằng “Tôi cảm nhận được nỗi đau của bạn”.
Trong buổi tranh luận thứ 2, được tổ chức theo hình thức tiếp xúc cử tri. Cuộc tranh luận này giúp cử tri củng cố hình ảnh về các ứng cử viên: ông Bush có vẻ ít quan tâm đến các vấn đề của người dân, trong khi ông Clinton lại thể hiện sự cảm thông đối với họ.

2012: Obama-Romney

Ông Mitt Romney và Ông Barack Obama nói chuyện trực tiếp với nhau trong cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai ở Hempstead, New York (Mỹ)

Reuters

Ở cuộc tranh luận đầu, ông Barack Obama trông "thiếu sức sống" hơn thường lệ. Ông không đưa ra được bất kỳ câu trả lời súc tích thú vị nào mà người xem thường trông đợi để đánh giá ứng cử viên. Các thăm dò sau đó cho thấy ông bị đối thủ dẫn trước một khoảng cách nhỏ.
Nhưng ở lần tranh luận tổng thống thứ hai, ông Romney "hụt chân" khi đưa ra một thông tin thiếu chính xác khiến người dẫn chương trình phải đính chính. Bên cạnh đó, cách trả đũa hài hước của ông Obama cũng đã làm ông Romney lúng túng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.