'Ngoại giao y tế' của Cuba ghi điểm trong đại dịch Covid-19

15/09/2020 14:31 GMT+7

Nổi tiếng với danh xưng “đội quân áo trắng”, các bác sĩ Cuba được triển khai đến gần 40 quốc gia khắp năm châu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Các bác sĩ Cuba đại diện cho đường lối ngoại giao y tế vượt xa tầm vóc của quốc gia nhỏ bé vùng Caribbean chỉ với 11 triệu dân. Họ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thiết yếu ở nhiều nơi như Peru, nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Bác sĩ Juan Pablo Falcon cho biết rõ ràng là họ cần phải có mặt.
“Các bác sĩ Cuba đến để giúp đỡ. Chúng tôi không muốn thay thế công việc của ai cả. Nói thật là Peru cần bác sĩ. Mặc dù việc đào tạo bác sĩ vẫn diễn ra hằng ngày, nhưng bác sĩ và nhân viên y tế có kinh nghiệm thì lúc nào cũng cần thiết để có thể đào tạo các nhân viên y tế trẻ tuổi hơn”, ông Falcon nói.

Đoàn bác sĩ Cuba trong lễ ra quân đến Kuwait hỗ trợ lực lượng y tế nước này trong đại dịch Covid-19 hồi tháng 6.

Reuters

Từ năm 1959, Cuba đã gửi đội ngũ y tế đến hỗ trợ những nơi xảy ra thảm họa hoặc dịch bệnh như đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi và dịch tả ở Haiti.
Gần đây, chính phủ Tổng thống Donald Trump đã khởi động chiến dịch phản đối các bác sĩ Cuba, lấy lý do bóc lột lao động. Tuy nhiên, ông Paul Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba, hiện đang giảng dạy tại Đại học Boston, khẳng định phần lớn thế giới vẫn đánh giá cao chính sách ngoại giao y tế của Cuba.
“Trước khi nhiều nước lớn hơn nhận thức được rằng có nhiều lợi ích ngoại giao khi cung cấp thiết bị và nhân lực y tế, như Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia châu Âu khác, thì Cuba đã thể hiện mình, chuẩn bị và triển khai vận chuyển hàng hóa cực kì nhanh chóng. Câu hỏi đặt ra là liệu việc này có đem lại lợi ích lâu dài cho họ sau khi hết đại dịch hay không, nhưng Cuba được phần lớn các quốc gia đánh giá rất khác so với cách nhìn của chính quyền Mỹ”, theo ông Paul Hare.

Một cảnh sát yêu cầu người dân Cuba xếp hàng để đợi mua thực phẩm.

Reuters

Hiện nay, Cuba mới ghi nhận khoảng hơn 4.600 ca nhiễm và 108 ca tử vong vì Covid-19, tỷ lệ chỉ 1/10 so với mức bình quân đầu người toàn cầu.
Tuy nhiên trong khi Cuba thừa lực lượng y bác sĩ thì lại xảy ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trong nước . Nền kinh tế Cuba cũng lao đao vì không thể đón du khách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như bị cắt giảm viện trợ và lệnh cấm vận của Mỹ áp lên du khách và thương mại.
Tuy nhiên, với cả người dân Cuba lẫn người dân các quốc gia được hỗ trợ, các bác sĩ Cuba vẫn được xem là anh hùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.