Súng gắn camera sẽ giúp gì cho cảnh sát Mỹ?

26/07/2020 16:00 GMT+7

Giữa những yêu cầu về sự minh bạch của cảnh sát sau vụ giết George Floyd – một người đàn ông da màu , các sở cảnh sát Mỹ đang thử nghiệm một phương thức mới để ghi lại những khoảnh khắc nguy hiểm tiềm tàng: súng có gắn camera thu nhỏ.

Một sở cảnh sát tại bang California (Mỹ) đang trang bị cho các sĩ quan một loại phương tiện mới: súng gắn camera thu nhỏ. Và theo cảnh sát Stephen Phillips, camera này có thể giúp ông “có một góc nhìn nhỏ về những gì tôi thực sự thấy so với máy ảnh nằm trên ngực tôi.”
Stephen Phillips là một sĩ quan cảnh sát ở King City. Cơ quan của ông là nhóm đầu tiên ở California triển khai súng gắn máy ảnh. Cảnh sát trưởng Robert Masterson hy vọng điều này sẽ mang lại sự minh bạch khi các sở cảnh sát trên toàn quốc đang vất vả với làn sóng giám sát công khai mới. Đặc biệt là sau cái chết của George Floyd - một người đàn ông da đen không vũ trang bị giết khi một cảnh sát ở bang quỳ lên cổ trong gần 9 phút. Nhiều người khác đã chết trong các vụ xả súng liên quan đến cảnh sát.

Các sĩ quan cảnh sát cố gắng trấn áp một người đàn ông bên ngoài khoa cấp cứu của bệnh viện ở Allentown, Pennsylvania (Mỹ) ngày 11.7

Reuters

Cảnh sát trưởng Robert Masterson cho biết “Với nhiều phản ứng từ công chúng đối với các vụ nổ súng liên quan đến cảnh sát, tôi thực sự cảm thấy điều quan trọng là phải có góc nhìn về những gì cảnh sát có thể nhìn thấy”. Và góc nhìn tốt nhất để thấy mọi thứ là nằm ở nòng súng.
Bộ phận của ông đã đạt được thỏa thuận trị giá khoảng 12.500 USD cho 18 máy ảnh FACT Duty gắn vào vũ khí của công ty Viridian Weapon Technologies vào tháng 12.2019 trước khi chúng được sử dụng vào cuối tháng 6. Công nghệ này hoạt động chính xác như những gì được mô tả: máy ảnh được gắn dọc theo ray dưới nòng súng và ghi lại góc nhìn trực quan của khẩu súng trong tay của một cảnh sát. Máy ảnh sẽ bắt đầu ghi lại hình ảnh khi súng được kéo ra từ bao da, cho phép nhìn rõ mục tiêu.

Một cảnh sát ở King City thử nghiệm sử dụng súng gắn camera Viridian FACT Duty cùng đồng nghiệp tại trường bắn ở King City, California (Mỹ) ngày 16.7

Reuters

Nhưng Jay Stanley, một nhà phân tích chính sách cao cấp, cảnh báo rằng công nghệ như thế này cũng có những giới hạn. “Ngay cả khi súng được rút ra, các camera cũng sẽ không nắm bắt được bối cảnh của các sự kiện dẫn đến việc cảnh sát phải rút súng và đó là phần quan trọng nhất trong việc đánh giá hành động của một cảnh sát, rằng đó là hành vi lạm dụng hay chuyên nghiệp”, ông nói.
Ông Stanley cũng nói rằng loại súng gắn camera này chỉ tốt khi các chính sách được thực hiện cùng lúc. Các chính sách máy ảnh của King City bao gồm giữ lại các cảnh quay camera cơ thể trong 180 ngày và giữ lại bất kỳ video nào cho thấy có sử dụng vũ lực, bao gồm cả việc chĩa súng, trong 2 năm. Theo sở này, các sĩ quan đã rút súng 15 lần vào năm 2019 và 9 lần vào năm 2020. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.