Thú vị tên gọi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới của Nga

11/08/2020 22:57 GMT+7

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố thông tin bộ y tế nước này đã phê chuẩn vắc xin Covid-19 đầu tiên của thế giới, Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho hay nước này đã nhận đề nghị cung cấp tổng cộng 1 tỉ liều vắc xin từ hơn 20 quốc gia.

Tên của vắc xin phòng Covid-19 vừa được phê chuẩn được Nga đặt là “Sputnik V”, giống tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới do Liên Xô chế tạo và phóng vào vũ trụ năm 1957.
Theo Reuters, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng Nga sớm bắt đầu sản xuất đại trà vắc xin Covid-19, cho biết loại vắc xin này hứa hẹn "miễn dịch lâu dài", và tiết lộ một con gái của mình đã tiêm chủng và cảm thấy khỏe.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định vắc xin Sputnik V của Nga an toàn, hiệu quả.

Reuters

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tuần rồi kêu gọi Nga thực hiện "tất cả các giai đoạn" cần thiết để phát triển một loại vắc xin an toàn. Phát biểu tại cuộc họp chính phủ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Putin bác bỏ những mối lo ngại đó, khẳng định vắc xin do Viện Gamaleya ở thủ đô Moscow phát triển là an toàn.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Nga phê chuẩn vắc xin trước khi bắt đầu cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn với hàng ngàn người tham gia, thường được gọi là Giai đoạn 3. Giai đoạn 3 là bước cuối cùng trước khi vắc xin được phê chuẩn.

Nhiều nước tham gia cuộc đua phát triển vắc xin Covid-19.

Reuters

Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng (ACTO) có trụ sở tại Moscow trong tuần này đã kêu gọi Bộ Y tế Nga hoãn phê chuẩn cho đến khi thử nghiệm cuối cùng được hoàn tất thành công. ACTO là một tổ chức đại diện cho các hãng hàng đầu thế giới tại Nga.
Theo AFP, vắc xin của Nga được phát triển theo công nghệ vector virus, tức sử dụng một loại virus khác để mang mã di truyền ADN kích thích phản ứng miễn dịch cần thiết vào tế bào.
Theo WHO, hiện nay, thế giới có hơn 100 loại vắc xin đang được phát triển để ngăn chặn đại dịch Covid-19, trong đó có ít nhất 4 loại đang trong giai đoạn thử ở người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.