Tỉnh Giang Tây bước vào ‘thời chiến’ vì lũ, đập Tam Hiệp đối mặt thử thách

14/07/2020 09:00 GMT+7

Ngày 12.7, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đã bước vào “thời chiến” khi tăng mức cảnh báo ứng phó khẩn cấp lũ lụt và thiên tai lên mức cao nhất vì mưa lớn kéo dài, thách thức đập Tam Hiệp.

Khuya ngày 11.7, mực nước tại trạm thủy văn ở hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, cao kỉ lục, vượt mức cảnh báo đỏ 22,52 mét trong trận đại hồng thủy năm 1998, thách thức đập Tam Hiệp. Ngày 12.7, tỉnh này đã bước vào “thời chiến” khi tăng mức cảnh báo ứng phó khẩn cấp lũ lụt và thiên tai lên mức cao nhất.
Một quan chức huyện Bà Dương, Vương Trung Hoa, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng chính quyền và người dân đã có các biện pháp đắp đê ngăn lụt bằng các túi cát vào đêm 12.7, các lực lượng ứng phó cũng sẵn sàng.
Hồ Bà Dương là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc thuộc lưu vực sông Trường Giang.

Lũ lụt tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, mưa lớn kéo dài khiến mực nước của 433 con sông ở Trung Quốc vượt mức báo động, trong đó 33 con sông ghi nhận con số cao kỉ lục. Đến nay, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 37,89 triệu người ở 27 tỉnh, thành; khiến 141 người thiệt mạng hoặc mất tích, và làm sập 28.000 ngôi nhà.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu đập Tam Hiệp có thể ngăn lũ lụt nếu nước này chứng kiến tình hình lặp lại như 22 năm về trước khi mưa và lũ lụt thường đạt đỉnh vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 hằng năm.
Ông Trương Bác Đình, nhà phân tích cao cấp tại Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc, cho biết mực nước sông có thể ở mức thấp bằng cách giữ nước ở thượng nguồn của hồ chứa đập Tam Hiệp, còn hồ Bà Dương và các nhánh khác có thể xả nước vào dòng chính của sông Trường Giang. Theo ông Trương, sông Trường Giang hiện đang an toàn hơn so với năm 1998.
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng mưa lớn bất thường trên lưu vực sông Trường Giang, gây lũ lụt nặng, không chỉ là bài kiểm tra cho đập Tam Hiệp mà còn cho cả công tác ứng phó thảm họa chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.