Bản tin Covid-19 ngày 20.6: TP.HCM ngày đầu siết chặt biện pháp chống dịch

20/06/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 20.6.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 20.6.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Tiếp tục ghi nhận hàng trăm bệnh nhân một ngày

Trong ngày 20.6, Việt Nam ghi nhận thêm 311 ca mắc Covid-19 mới, gồm: 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (4 ca), An Giang (2 ca), Thái Bình (2 ca), Kiên Giang (2 ca), Bình Dương (1 ca); 300 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (137 ca), Bắc Giang (96 ca), Đà Nẵng (27 ca), Bắc Ninh (19 ca), Bình Dương (13 ca), Nghệ An (5 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Quảng Nam (1 ca), An Giang (1 ca).
Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 13.211 ca mắc Covid-19.

Tối 20.6: Thêm 94 ca mắc Covid-19, TP.HCM 57 bệnh nhân mới

Dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn phức tạp

Theo Bộ Y tế, trong ngày 20.6, TP.HCM đã ghi nhận 137 ca Covid-19. Đến nay, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 1.933 bệnh nhân Covid-19 (đã được Bộ Y tế công bố). 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), 137 ca Covid-19 mới bao gồm:
- 19 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc đang được điều tra dịch tễ, phân bố như sau: quận 5 (1 ca), quận 8 (1 ca), quận 10 (1 ca), quận 11 (4 ca), quận 12 (3 ca), Bình Tân (3 ca), thành phố Thủ Đức (1 ca), Tân Phú (1 ca), Hóc Môn (4 ca).
- 118 trường hợp tiếp xúc cụ thể như sau:
+ Liên quan điểm Nhóm Truyền giáo Phục Hưng (9 ca)
+ Liên quan vựa thu mua phế liệu đường Đề Thám quận 1 (10 ca)
+ Chuỗi liên quan chung cư Ehome 3 (17 ca)
+ Công ty Minh Thông ở Hóc Môn (8 ca)
+ Chuỗi liên quan chung cư Phú Thọ quận 11 (2 ca)
+ Chuỗi Hnam Mobile (6 ca)
+ Liên quan Trạm Y tế phường An Lạc (1 ca)
+ Lliên quan công ty Kim Minh Quận 5 (27 ca)
+ Liên quan ấp Tân Thới 3 Hóc Môn ( 4 ca)
+ Liên quan BN 12560 (2 ca)
+ Liên quan BN 12560 (2 ca)
+ Liên quan BN10528 (2 ca)
+ Liên quan BN8448 (1 ca)
+ Liên quan BN12337 (9 ca)
+ Liên quan BN9962 (2 ca)
+ Liên quan BN12934 (3 ca)
+ Liên quan BN11202 (8 ca)
+ Liên quan BN10118 (1 ca)
+ Liên quan BN11178 (1 ca)

Tối 20.6: TP.HCM thêm 57 ca Covid-19, tổng cộng ghi nhận 1.933 bệnh nhân

Thêm 2 bệnh nhân tử vong

Chiều 20.6.2021, Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo hai ca tử vong thứ 65 và 66 liên quan đến Covid-19 ở Việt Nam. Hai bệnh nhân là những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng liên quan Covid-19.
Ca tử vong thứ 65 là BN4391, bệnh nhân nam, 53 tuổi, địa chỉ tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Bệnh nhân có tiền sử U lympho không Hodgkin từ tháng 9.2020, đã điều trị hóa chất 9 đợt, cao huyết áp. 
Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS, COVID-19 trên bệnh nhân mắc U lympho không Hodgkin kháng trị, tăng huyết áp, suy thận.
Ca tử vong thứ 66 là BN6043, bệnh nhân nam, 80 tuổi, địa chỉ tại thành phố Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, suy thận độ II và hen phế quản điều trị thường xuyên. 
Chẩn đoán tử vong: Suy đa tạng - viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân suy thận, tăng huyết áp, suy tim, hen phế quản.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 65 và 66 tử vong: BN4391 và BN6043

Nổi cáu với cán bộ đi dẹp chợ tự phát

Không còn cảnh mua bán tràn ra vỉa hè, thậm chí là tràn ra lòng đường, ngã ba Phạm Văn Chiêu – đường số 59, khu vực chợ tạm Thạch Đà, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM bỗng thông thoáng hẳn khi lực lượng chức năng có mặt để phân luồng giao thông.
Ngày 20.6.2021 là ngày đầu tiên toàn TP.HCM thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10, một trong những nội dung quan trọng là dừng hoạt động của các chợ tự phát. Riêng đối với chợ truyền thống, UBND TP.HCM giao Sở Công Thương hướng dẫn các địa phương tuân thủ quy định 5K của ngành y tế.
Việc tạm dừng các chợ tự phát hóa ra lại “một công đôi việc”; không chỉ là yêu cầu mà cũng thành dịp để chính quyền các địa phương tranh thủ thực hiện chỉnh trang đô thị, dẹp bỏ tình trạng bát nháo buôn bán lấn chiếm lòng lề đường xảy ra khắp nơi trên địa bàn thành phố.
Dù đã được vận động, tuyên truyền nhưng nhiều khu chợ vẫn nhộn nhịp người mua bán. Thậm chí, một số người còn nổi nóng với lực lượng chức năng.

Tiểu thương nổi cáu với cán bộ đi dẹp chợ tự phát phòng dịch Covid-19

TP.HCM đã nhận tổng cộng bao nhiêu liều vắc xin Covid-19?

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã nhận 4 đợt vắc xin Covid-19. Đợt 1 có 8.000 liều, đợt 2 là 55.000 liều, đợt 3 là 70.000 liều và đợt 4 là 836.000 liều. Như vậy, TP.HCM được cấp tổng cộng 969.000 liều vắc xin Covid-19 (tương đương 96.900 lọ).
Theo tiêu chuẩn 1 lọ tiêm được 10 mũi (10 liều), nếu tiêm tiết kiệm đạt đến 12 mũi. Do đó, với số lọ lượng 96.900 lọ vắc xin được cấp, nếu tiêm tiết kiệm, TP.HCM có thể tiêm được 1,162 triệu liều.
Trong đó số đã tiêm, đã có nhiều nhân viên y tế tuyến đầu đã được tiêm mũi thứ 2. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, những người tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 thì phải đảm bảo điều kiện tiêm đủ 2 mũi.
Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tiêm xong đợt 1, đợt 2 và đang tiêm đợt 3 với khoảng 45.000 người được tiêm. Đến nay, tổng số người tiêm mũi 1 qua 3 đợt là hơn 44.000, tiêm mũi 2 qua 3 đợt đã hơn 50.000. Đối tượng tiêm là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, nhân viên phục vụ khu cách ly khách sạn, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.

TP.HCM đã nhận tổng cộng bao nhiêu liều vắc xin Covid-19, đã tiêm cho những ai?

Hàng ngàn công nhân Khu chế xuất Tân Thuận tiêm vắc xin

Trong ngày 20.6.2021, 21 bệnh viện đã cử 69 đội tiêm vắc xin đến 7 công ty tại quận 7, trong đó có các công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận để tiêm vắc xin Covid-19 cho 8.490 công nhân.
Trong ngày 20.6.2021, 21 bệnh viện đã cử 69 đội tiêm vắc xin đến 7 công ty tại quận 7, trong đó có các công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận để tiêm vắc xin Covid-19 cho 8.490 công nhân.
Theo đó, 8.490 công nhân được tiêm vắc xin Covid-19 của 7 đơn vị gồm: Công ty may Nhà Bè (3.000 liều); Công ty TNHH Tân Thuận (357 liều); Công ty cổ phần VNG (1.000 liều); Công ty Furukawa Automotive Parts Việt Nam (1.000 liều); Công ty TNHH Nikkios Việt Nam (1.000 liều); Công ty TNHH Kim May Organ Việt Nam (1.157 liều); Công ty TNHH MTEX Việt Nam (438 liều) và Công ty TNHH Strongman (538 liều).
Thị sát điểm tiêm tại Công ty may Nhà Bè, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nhắc nhở về việc tiêm vắc xin đồng thời động viên các y bác sĩ nâng cao tinh thần trong công tác chống dịch.

Hàng ngàn công nhân Khu chế xuất Tân Thuận tiêm vắc xin Covid-19

Dân Bình Thạnh bất ngờ vì tiêm vắc xin Covid-19 thấy "nhẹ nhàng hơn tưởng tượng"

Khoảng 200 người là các thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng như công an phường, bảo vệ dân phố, trật tự đô thị, hội viên hội phụ nữ phường, thành viên ban công tác mặt trận khu phố… ở một số phường ở Q.Bình Thạnh đã tập trung về sân vận động Gia Định (P.12) để được tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Đại diện UBND Q.Bình Thạnh cho biết việc tiêm chủng cho các tổ Covid-19 cộng đồng là cần thiết bởi đây là lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, thuộc các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/2021 của Chính phủ.
Từ 8 giờ sáng, đông đảo mọi người đã đến xếp hàng để thực hiện tiêm chủng. Mọi người xếp hàng và đứng giãn cách, sau đó khai báo y tế và phải qua phòng khám sàng lọc để kiểm tra đủ điều kiện tiêm vắc xin trước khi chính thức bước vào phòng tiêm.
 

Dân Bình Thạnh bất ngờ vì tiêm vắc xin Covid-19 thấy "nhẹ nhàng hơn tưởng tượng"

Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết dự kiến ngày 20.6, Việt Nam sẽ tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm do chính phủ Trung Quốc trao tặng.
Sau tiếp nhận, vắc xin Covid-19 Vero Cell được dự kiến tiêm cho người Trung Quốc đang sống, làm việc tại Việt Nam, các công dân Việt Nam học tập, làm việc, giao lưu với Trung Quốc, người dân sống ở khu vực biên giới có nhu cầu giao lưu với Trung Quốc…
Theo Bộ Y tế, Trung Quốc là một trong số ít các nước đã nghiên cứu thành công, đưa vào thử nghiệm và tiến hành tiêm chủng vắc xin Covid-19 sớm nhất. Đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt 7 loại vắc xin Covid-19 sản xuất và tiêm chủng trong nước cũng như viện trợ, xuất khẩu cho các nước. Trong đó, có 2 loại vắc xin của Sinopharm và Sinovac đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Vắc xin của Sinopharm đã được chính phủ Trung Quốc sử dụng viện trợ cho Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar, Pakistan... và bán cho Pakistan, Mông Cổ, các nước Trung và Đông Âu. Vắc xin của Sinovac đã được bán cho hơn 30 quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á. Đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu và viện trợ 350 triệu liều vắc xin cho các nước. Trong đó, xuất khẩu vắc xin đến hơn 50 quốc gia; viện trợ cho 66 quốc gia; cung cấp cho khu vực Đông Nam Á 100 triệu liều vắc xin và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để Đông Nam Á phòng chống dịch bệnh. Trung Quốc cũng cam kết cung cấp cho COVAX 10 triệu liều vắc xin do nước này sản xuất.

Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc)

Đà Nẵng lại cấm tắm biển, cấm quán ăn bán tại chỗ vì Covid-19 tăng vọt

Tối 19.6.2021, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi các sở ngành, địa phương liên quan về việc dừng một số hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, sau hơn 1 tháng không phát hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng thì những ngày gần đây, Đà Nẵng phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc mới và hiện nay tình hình đang diễn biến phức tạp.
Để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả hơn, chính quyền Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu kể từ 12 giờ ngày 20.6.2021, tạm dừng hoạt động tại các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn, uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; chỉ được bán hàng cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng. UBND thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng tạm dừng hoạt động tắm biển cho đến khi có thông báo mới.

Đà Nẵng lại cấm tắm biển, cấm quán ăn bán tại chỗ vì Covid-19 tăng vọt

Thừa Thiên–Huế xét nghiệm Covid-19 cho người về từ Đà Nẵng

Trước những diễn biến mới về dịch bệnh Covid-19, nhất là việc tái bùng phát dịch tại địa phương láng giềng Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên–Huế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công dân trở về từ thành phố Đà Nẵng.
 
Từ sáng 20.6.2021, Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử tổ công tác đến các trạm y tế trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Tiến, xã Lộc Thủy và các địa phương khác để thu thập mẫu để xét nghiệm Covid-19.
Những người được lấy mẫu là công dân tỉnh Thừa Thiên–Huế từ Đà Nẵng trở về quê từ ngày 15.6.
Các mẫu sẽ được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR. Dự kiến kết quả xét nghiệm sẽ có sau 1-2 ngày kể từ lúc lấy mẫu.

Thừa Thiên–Huế xét nghiệm Covid-19 cho người về từ Đà Nẵng

Lời hẹn “đoàn viên” bên chốt phong tỏa chống Covid-19 ở quận Bình Tân

Trong buổi sáng 20.6.2021, rất nhiều người đã mang nhu yếu phẩm cũng như gửi lời động viên cho người thân của mình tại chốt phong tỏa chống Covid-19 ở quận Bình Tân.
Những người mang đồ đến phải để trên bàn sau đó chờ nhìn người thân ra lấy. Đôi khi chỉ kịp chào nhau ở khoảng cách xa. Tuy vậy, họ cũng mang đến cho người thân của mình những điều ấm áp, sẻ chia trong những ngày dịch bệnh. Để hai tuần của những người thân trong khu cách ly sẽ qua nhanh hơn và họ sẽ lại được đoàn viên.
Trước đó, từ 0 giờ ngày 20.6, TP.HCM đã triển khai thiết lập vùng phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân trong thời gian 14 ngày.
Theo UBND quận Bình Tân, 3 khu phố áp dụng biện pháp giãn cách rộng khoảng 171 hecta với hơn 17.400 hộ dân và gần 56.000 nhân khẩu. Khi áp dụng giãn cách, có 36 doanh nghiệp và 4 đơn vị hành chính bị ảnh hưởng.

Lời hẹn “đoàn viên” bên chốt phong tỏa chống Covid-19 ở quận Bình Tân

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 20.6 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.