Quán xá Đà Nẵng vẫn ế khách dù tạm thoát cảnh khổ vì Covid-19
09/06/2021 16:25 GMT+7
Sau 21 ngày không có ca nhiễm Covid-19 , thành phố Đà Nẵng đã nới lỏng giãn cách, quán xá hoạt động trở lại, người dân được ăn uống tại chỗ. Tuy nhiên, người dân đã quen với thói quen phòng chống dịch khiến các hàng quán vẫn ế khách.
Tự động phát
"Như thế này là hạnh phúc lắm rồi"
Ngày 9.6, ngày đầu TP.Đà Nẵng trở lại với nhịp sống “bình thường mới” sau hơn 1 tháng thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Ghi nhận của PV Thanh Niên trong buổi sáng đầu tiên người dân được ăn uống tại chỗ trở lại, tại phố ăn uống Huỳnh Thúc Kháng (Q.Hải Châu) không còn cảnh đìu hiu như những ngày thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Ngay từ sớm, các tuyến phố nói trên đông đúc xe cộ, người tấp nập đến các hàng quán để mua thức ăn, uống cà phê. Thế nhưng theo các chủ hàng quán phục vụ ăn sáng, lượng khách ăn uống tại chỗ vắng vẻ.
|
|
Cán bộ phường Bình Hiên (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) tuyên truyền cho quán xá tuân thủ nghiêm các biện pháp an toàn phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND TP. Vừa ký cam kết với chính quyền địa phương về đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19, chị Đoàn Thị Thúy Vân (chủ quán bánh canh trên đường Huỳnh Thúc Kháng), cho biết đêm qua (8.6) khi hay tin UBND TP.Đà Nẵng cho phép các hàng quán được mở cửa trở lại, chị Vân đã tất bật sửa soạn, tăng khẩu phần bán và mong chờ một ngày buôn bán đắt khách sau chuỗi ngày dài bán mang về.
“Lúc bán mang về theo quy định, phố ăn uống Huỳnh Thúc Kháng vắng vẻ, buồn lắm. Theo dõi thông tin kịp thời nên tôi chuẩn bị chu đáo cho việc buôn bán trở lại, tuy nhiên người dân có thói quen mua mang về “né” dịch bệnh nên hàng quán nào cũng ế khách, họ chỉ mua mang đi chứ không ngồi ăn tại chỗ”, chị Vân nói.
|
Chị Kiều Thị Mỹ Hiền (chủ quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng, P.Nam Dương, Q.Hải Châu) chia sẻ, ngày đầu mở bán tại chỗ nhưng khách mua mang về là chính. Đối với khách uống cà phê tại chỗ, quán vẫn đảm bảo chỉ phục vụ 50% khách, đồng thời bố trí khu vực để khách hàng sát khuẩn tay.
“Sáng nay, nhìn người qua lại đông hơn mọi ngày, ai cũng phấn khởi. Thời gian qua chúng tôi đồng lòng với tất cả những chỉ thị của chính quyền, mong rằng dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi. Hôm nay mở cửa trở lại chúng tôi biết ơn chính quyền, biết ơn lực lượng chống dịch ngày đêm nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, như thế này là hạnh phúc lắm rồi. Tôi nghĩ người dân Đà Nẵng ai cũng như tôi, ý thức cao về phòng chống dịch là đang giúp chính mình”, chị Hiền nói.
|
Cầm cự không nổi phải trả mặt bằng
Thời gian qua, khi dịch bệnh tái bùng phát, cuộc sống của người dân vùng có dịch bị đảo lộn, nhiều người rơi vào cảnh khó khăn do bị mất việc làm. Đặc biệt, đối với các cơ sở kinh doanh gánh nặng chi phí mặt bằng, nhân viên… khiến họ không cầm cự nổi. Nhiều hàng quán đành lòng trả mặt bằng, treo bảng nghỉ bán.
Theo chị Vân, tại tuyến phố ăn uống Huỳnh Thúc Kháng, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống vì không có khả năng trả tiền mặt bằng nên nghỉ bán,sang nhượng rẻ lại bàn ghế.
|
“Tôi may mắn buôn bán tại nhà mẹ chồng, không gánh nặng chi phí mặt bằng nên có thể cầm cự qua ngày chờ hết dịch. Đối với những người buôn bán lân cận, họ ngậm ngùi trả mặt bằng, dọn nghỉ… ngày họ đóng cửa nghe những lời than thở khiến tôi buồn lòng. Dịch bệnh đã khiến nhiều người kiệt quệ, kinh tế khủng hoảng trầm trọng”, chị Vân nói.
Anh Trần Ngọc Bình (trú H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) hành nghề thợ sửa xe máy, cùng vợ mở quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng, nơi vốn đông đúc khách hàng. Thế nhưng dịch bệnh ập đến, mặc dù được chủ nhà hỗ trợ tiền thuê mặt bằng, tuy nhiên vợ chồng anh Bình không thể cầm cự nổi đã quyết định nghỉ bán.
“Quán khai trương được 2 tháng thì dịch bệnh đến, chi phí thuê mặt bằng thanh toán nửa năm, chủ nhà thương tình trả lại ít tiền. Tôi hành nghề sửa xe cũng ế ẩm nên quyết định nghỉ bán, vợ tôi về quê và đang tìm việc làm”, anh Bình tâm sự.
Sáng 9.6, lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng đã xuống đường tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh ký bản cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ quan có thẩm quyền; khuyến khích các nhà hàng, quán ăn ứng dụng khai báo y tế điện tử, sử dụng thiết bị quét QR Code khai báo y tế. Bên cạnh đó, chủ nhà hàng, quán ăn, người chế biến, phục vụ thức ăn, đồ uống phải khai báo y tế hằng ngày; thường xuyên mở ứng dụng Bluezone, bật bluetooth trên smartphone (nếu có) trong suốt thời gian làm việc. Bắt buộc đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm, phục vụ khách hàng; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Văn Khánh, Chủ tịch UBND phường Bình Hiên (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, đơn vị đã làm cam kết yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống đảm bảo tuân thủ theo quy định trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Đơn vị đã cử lực lượng thường xuyên đi kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực hiện theo đúng cam kết đã được ký. Đối với trường hợp vi phạm sẽ nhắc nhở, nếu tiếp tục tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Khánh nói.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, tối 8.6, UBND TP.Đà Nẵng ban hành công văn về việc cho phép một số hoạt động được mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 9.6 và triển khai các biện pháp áp dụng phòng, chống dịch Covid-19 trong hình mới. Theo đó, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (gọi tắt là nhà hàng, quán ăn) được bán, phục vụ khách tại chỗ. Để được bán, phục vụ khách tại chỗ, các cơ sở này phải đảm bảo các điều kiện và biện pháp về phòng, chống dịch. Cụ thể, được phục vụ tối đa không quá 50% công suất của nhà hàng, quán ăn và phục vụ tại chỗ không quá 21 giờ hằng ngày.
|
Bình luận (0)