Việc làm 'hot' sau dịch Covid-19, nhu cầu tuyển hàng chục ngàn người

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/10/2021 16:05 GMT+7

Mua sắm trực tuyến đang tăng mạnh ở Việt Nam, nhất là trong và sau dịch Covid-19. Ngoài shipper, còn những việc làm nào dành cho người trẻ rất 'hot' từ thực tế này?

Các shipper khi qua các chốt kiểm soát Covid-19, thời điểm TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16

thúy hằng

Việc làm 'hot' sau dịch Covid-19 nhờ đua nhau ‘bước lên mạng'

Suốt 4 tháng giãn cách xã hội vừa qua vì dịch Covid-19, chị Nguyễn Thùy Dương (30 tuổi, trú đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM) và gia đình có đủ thực phẩm, đồ thiết yếu nhờ việc mua hàng trên mạng, từ gạo, thịt, cá cho tới bó hành hành, củ gừng, củ sả…

Chợ truyền thống đóng cửa, đi siêu thị phải xếp hàng rất lâu, trong khi trên mạng là một thế giới bao la. Nhà nhà lên mạng bán hàng và người người cũng lên mạng mua hàng. “Mua sắm trên mạng giúp so sánh giá cả tiện hơn, chưa kể thanh toán trực tuyến, an toàn hơn trong dịch Covid-19”, chị Dương nói.

Khi TP.HCM về bình thường mới, thói quen mua hàng trên mạng vẫn được chị Dương và nhiều người trẻ khác ủng hộ vì tiết kiệm thời gian hơn.

Vừa qua, hội thảo trực tuyến “Ai thúc đẩy ngành bán hàng và marketing thời 4.0?” do công ty tư vấn nhân sự tại Việt Nam Talentnet tổ chức, chia sẻ những thông tin đáng chú ý. Như giữa những khó khăn mà Covid-19 gây nên cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam thì người tiêu dùng đã bớt khó tính hơn khi sẵn sàng chi trả một khoản phí khi đăng ký vào các kênh, hoặc đồng ý nhận thông tin từ các nền tảng mạng. Theo một khảo sát của Google Analysis, 36% người dùng cho biết họ gia tăng tần suất mua sắm trực tuyến và kết nối với nhau từ khi Covid-19 xuất hiện và dành phần lớn thời gian làm việc tại nhà.

Đặc sản Việt Nam rất phong phú, nếu biết cách kể câu chuyện thú vị về sản phẩm trên các nền tảng Facebook, Tiktok, đều dễ bán được hàng hơn, với giá trị cao hơn

Ảnh minh họa: hạnh phan, thúy hằng

Công ty tư vấn nhân sự Talentnet cũng đưa ra số liệu, các nhà bán hàng “bước lên mạng” nhiều gấp 5 - 6 lần so với dự đoán trước đây, thị trường bán hàng và marketing kỹ thuật số ở Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 12 tỉ lên đến 52 tỉ đô la vào năm 2025.

Chị Lê Diệp Kiều Trang, chủ tịch Arevo Việt Nam & Harrison AI Việt Nam, cho biết: “Khi dịch Covid-19 được chế ngự hoàn toàn, thì việc lên mạng, sử dụng internet của mọi người đã trở thành một thói quen. Họ lên mạng để kết nối, truy cứu, cập nhật, chia sẻ thông tin, mua sắm. Điều này đã mở ra một tiềm năng rất lớn cho bán hàng và marketing online”.

Cơ hội việc làm “hot” cho người trẻ sau dịch Covid-19 được mở ra. Tuy nhiên, có phải cứ học kinh doanh, marketing là có việc làm trong bối cảnh này? Để đáp ứng yêu cầu từ các nhà tuyển dụng khó tính, người trẻ cần chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng gì?

Nhiều người tìm việc, nhiều việc vẫn chờ người

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành bán hàng và marketing đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, theo số liệu từ LinkedIn, có đến 10.000 vị trí đang tuyển dụng dành cho ngành bán hàng; gần 17.000 vị trí marketing. Đáng chú ý, trên các trang tin tuyển dụng, bạn có thể dễ dàng thấy doanh nghiệp đăng tuyển nhiều vị trí hoàn toàn mới như: quản lý dự án livestream (Livestream Project Manager), quản lý giải pháp marketing (Marketing Solution Manager), quản lý đối tác marketing (Partnership Marketing Manager)…

Những ứng viên đang đợi việc trong lĩnh vực này cũng đang cao hơn. Lực lượng lao động hiện tại của Việt Nam đang ghi nhận khoảng 120.000 ứng viên về bán hàng và 87.000 ứng viên về marketing.

Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc trong một lần trao đổi với người trẻ về marketing

nvcc

Chị Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao và thuê ngoài nhân sự của Talentnet, nhận định: “Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành bán hàng, marketing cao, số lượng ứng viên cũng rất nhiều, nhưng thiếu vẫn cứ thiếu. Trong cuộc chiến cạnh tranh các vị trí này, ai quyết định nhanh, hành động thần tốc sẽ là người nắm giữ cơ hội chiến thắng cao nhất”.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, cho hay theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho đến 2025, ngành marketing cần hơn 21.000 lao động mỗi năm. Cơ hội việc làm hot sau dịch Covid-19 này đang rất hấp dẫn với người trẻ.

“Các hình thức marketing truyền thống đang được dần thay bằng marketing kỹ thuật số. Đặc biệt trong và sau dịch Covid-19, hình thức marketing này càng phát huy tính ưu việt, vì chi phí thấp nhưng lại tiếp cận đúng đối tượng khách hàng tiềm năng và tương tác mạnh mẽ với khách hàng. Do đó, thị trường đang rất khát nhân sự giỏi nghiệp vụ lĩnh vực này”, tiến sĩ Lộc nói.

Cần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì?

Tiến sĩ Lộc cho biết, với mọi ngành học, không phải cứ sinh viên đạt điểm cao ở trường ĐH là cũng sẽ dễ dàng thành công trong sự nghiệp, có công việc “hot”, xịn, lương cao.

“Sẽ không có một công thức chung cho người làm bán hàng hay marketing. Nhưng marketing đòi hỏi sự sáng tạo và không ngừng học hỏi; còn bán hàng đòi hỏi sự kiên trì, am tường sản phẩm và một loạt các kỹ năng mềm. Ngay cả một người quản lý lĩnh vực này, làm tốt ở ngành hàng này nhưng qua ngành hàng khác sẽ học lại, nói chi sinh viên mới ra trường. Do đó, ngoài những kỹ năng chuyên môn, sự khao khát, khả năng tự trao dồi và tự đào tạo, tự cập nhật là các yếu tố quan trọng mà các nhà tuyển dụng “khó tính” đang cần ở những người đang đi tìm việc làm "hot", sau dịch Covid-19”, tiến sĩ Lộc trao đổi.

Từ phải qua: chị Lê Diệp Kiều Trang, Ngọc Trân, Nhã Uyên, Diễm Chi

kim khánh

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch của Publics Groupe Vietnam và MSLGroup Vietnam, nhận định: “Nếu các bạn trẻ nghĩ rằng “vì tôi biết về kỹ thuật số nên tôi sẽ nghiễm nhiên làm marketing giỏi”, thì không hoàn toàn đúng. Các bạn sẽ thành công trên các nền tảng như Facebook, Tiktok… Nhưng marketing còn là môn nghệ thuật mà bạn phải kể được câu chuyện của sản phẩm, đến đúng người, đúng thời điểm và đúng tâm lý”.

Tương tự, chị Đoàn Thị Diễm Chi, Giám đốc phát triển công ty On-point E-commerce, nhận định giữa hàng ngàn sản phẩm có chất lượng đồng đều nhau, thử thách cho nhân viên bán hàng và marketing không chỉ là chuyển đổi số, mà còn phải biết cách kể đúng câu chuyện, cho đúng đối tượng khách hàng. Quan trọng hơn, sản phẩm đó phải đóng góp giá trị cho xã hội, cộng đồng.

Vì vậy người lao động đang đi tìm việc làm "hot" sau dịch Covid-19 cũng phải chuyển mình. “Năng lực cởi mở, tinh thần học hỏi, cầu tiến, khả năng tư duy về nghệ thuật và khoa học cũng là các tiêu chí quan trọng mà các nhà tuyển dụng đang tìm ở các bạn trẻ”, chị Chi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.