Đi 5 siêu thị, 3 chợ TP.HCM mua không đủ rau, cá: Người trẻ tìm 'lối thoát'

07/07/2021 18:15 GMT+7

Mua đồ ăn, nhất là rau xanh, thịt cá trong trưa nay 7.7 với nhiều người trẻ vô cùng vất vả. Thậm chí, phải đi khắp 5 cái siêu thị, 3 cái chợ ở TP.HCM nhưng mua không đủ. Nhiều người trẻ đã tìm 'lối thoát' thế nào?

Mua mớ rau con cá, hành trình gian nan

Hành trình này do chính người viết trải nghiệm. 11 giờ 30 phút trưa nay, 7.7, sau giờ làm việc buổi sáng tôi chạy xe đi mua đồ ăn, nghĩ bụng là giờ này trưa rồi, chắc chợ búa, siêu thị cũng vãn người thì không lo Covid-19. Nhưng tới nơi thì... thực tế không phải là màu hồng lãng mạn.
Nhân viên bảo vệ siêu thị Bách Hóa Xanh trên đường Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8, TP.HCM kê những chiếc hộp nhựa ra chặn trước lối ra vào của siêu thị này và liên tục nhắc: “Anh chị ơi đầu giờ chiều quay lại nhé. Hết hàng rồi. Giờ cũng đang đông, chúng tôi không nhận thêm người được đâu”.

Nhân viên bảo vệ nói người đi siêu thị đầu giờ chiều quay lại, vì đã hết hàng!

Ảnh Bảo Vy

Tôi nhìn vào bên trong, nhiều người đang xếp hàng để được vào siêu thị này mua đồ. Nhưng ở những kệ rau để phía bên ngoài, chỉ còn lác đác vài lá rau thơm, còn lại rau xanh, cà chua, hành ngò đã sạch bách.
Tôi chạy ra đường Phạm Hùng, Q.8, tại đây có 2 siêu thị Bách Hóa Xanh nữa và 1 cửa hàng thực phẩm San Hà. Nhưng cửa hàng nào cũng trong tình trạng phải xếp hàng và đợi bên ngoài, khi nào có người bên trong bước ra thì người ngoài mới được vào tiếp. Đợi lâu quá, tôi lại quay xe, chạy tới một siêu thị nữa cũng trên đường Phạm Hùng, lần này không phải xếp hàng, được vào luôn.
Nhưng, hành trình mua mớ rau con cá của tôi vẫn rất gian nan quá chừng. Những kệ rau xanh sạch bách, trống trơn, còn những cọng hành dập nát và vài mớ rau cải vàng úa, không thể ăn nổi. Bước vào trong, kệ thủy hải sản cũng trống trơn. Cả siêu thị còn đúng 2 con cá lóc bé xíu, một miếng thịt bò bé tí tẹo. Trứng cũng hết. Chỉ còn trái cây, đồ khô, mì gói...

VIDEO Người Sài Gòn 'đội mưa' chen chân đi siêu thị cuối ngày, mua gần 3 triệu tiền mì gói

Kệ đồ rau củ quả chỉ còn 1 chùm hành khô, một ít chanh

Ảnh Bảo Vy

Chạy xe máy về đường Phạm Thế Hiển, chợ truyền thống Phạm Thế Hiển đã quây rào, đóng cửa. Chạy lui một chút về chợ Rạch Ông, một trong những chợ lớn nhất ở Q.8 này cũng trong tình cảnh tương tự. Xe cộ đỗ đầy bên ngoài cổng, ai cũng nháo nhác nhìn vào bên trong, bác bảo vệ liên tục chỉ vào tấm biển không cho xe máy vào trong “chợ tạm đóng cửa, không hoạt động”.
Tôi chạy vòng về, chợ Trần Văn Thành, P.9, Q.8 cũng đã rào chắn. Còn trước cửa hàng Food Coop trên đường Hưng Phú, Q.8, bãi đỗ xe máy chật kín. Tôi nhìn nhiều người đang đợi để vào trong là biết mình cũng không còn hàng để mua. Dự định chỉ muốn mua một ít rau xanh và miếng cá thôi cũng gian nan quá đỗi!

Siêu thị nào cũng đông, dù giữa trưa!

Ảnh Bảo Vy

Chợ Rạch Ông đóng cửa, xe máy dựng đầy phía ngoài chợ

Ảnh Bảo Vy

Xin đừng đổ xô mua đồ ăn với tâm lý tích trữ!

Dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều ca nhiễm trong cộng đồng khiến nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM phải đóng cửa để kiểm soát, khoanh vùng dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều chợ đầu mối đóng cửa, sức mua gia tăng càng khiến tình hình thiếu rau xanh, đồ tươi sống như thịt, cá ở TP.HCM xảy ra. Nhưng đáng nói là nhiều người có tâm lý mua đồ về tích trữ, để dành trong nhà vì nghe những tin đồn sắp tới không được ra khỏi nhà nữa thì cũng có đồ ăn. Điều này khiến cho người có nhu cầu thật sự, là mua để ăn trong ngày, nếu không đi siêu thị nhanh thì cũng không có đồ để mua!

Bản tin Covid-19 ngày 7.7: TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 giữa "kỷ lục" 766 ca bệnh

Chị Nguyễn Thu Trang, 31 tuổi, trú P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM, người lựa chọn đặt hàng trực tuyến của các hệ thống siêu thị kể, tối qua 6.7 chị cứ bấm chọn mặt hàng nào một cái lúc sau đã thấy thông báo hết hàng. 
“Canh mua thực phẩm mà như “săn sale” (săn những giờ giảm giá trên sàn thương mại điện tử), chỉ mong dịch bệnh Covid-19 sớm được dập tắt, để TP.HCM trở về những ngày bình thường.

Siêu thị nào cũng hết hàng tươi sống!

Ảnh Bảo Vy

Còn chị Nguyễn Thị Miên, 35 tuổi, trú chung cư Lý Văn Phức, Q.1, TP.HCM kể: “Mua đồ ăn, nhất là rau xanh, thịt cá trong những ngày này vất vả quá. Tôi đi 2 cái chợ, 2 cái siêu thị quanh khu này mà mua không đủ đồ ăn trong 1 ngày cho các con ở nhà”.
Chị Miên nói nhiều người hàng xóm của chị gặp nhau ai cũng hỏi "đã mua trữ thực phẩm chưa, mua đồ ăn để dành tới đâu rồi", chị chỉ cười "không, nhà em chẳng mua gì để dành. Hôm nay mua thì ăn 2 ngày luôn chứ không trữ gì nhiều". "Giãn cách xã hội thì siêu thị vẫn mở cửa để người dân mua thực phẩm, nhu yếu phẩm, tại sao người dân cứ ùn ùn đi mua sắm như thế này. Tập trung đông người ở siêu thị cũng tăng nguy cơ lây nhiễm, chưa kể tạo tâm lý bất an trong cộng đồng", chị Miên nói.

Xếp hàng dài trên đường Hưng Phú, Q.8 để vào một cửa hàng thực phẩm

Ảnh Bảo Vy

Chị Miên cho biết, những ngày này chị vẫn đặt hàng rau củ quả tươi từ Đà Lạt chuyển về, thịt cá và đồ thực phẩm sống khác thì phải chịu khó đi sớm hơn thông thường, mua đủ ăn trong 2 - 3 ngày. 

Những người trẻ tìm 'lối thoát'

Mua chung rau sạch, nhờ bố mẹ ở quê gửi rau củ quả, thịt cá lên hoặc đặt hàng từ các mối quen ở các cửa hàng thực phẩm sạch.. là giải pháp của nhiều người trẻ ở TP.HCM. 

Chị Phạm Thị Hương Giang, trú Q.5, TP.HCM cho biết mình thường xuyên đặt rau củ quả, thịt cá, gạo, đồ khô từ cửa hàng Sản Vật Phương Nam tại Q.4, TP.HCM. Hàng hóa chọn theo đơn, rồi nhân viên chuyển hàng sẽ giao về tận nhà. "Cửa hàng luôn có đầy đủ rau xanh, thực phẩm, không lo hết hàng hay phải chen lấn nên tôi mua ăn đủ cho cả nhà trong khoảng 2 - 3 ngày, hết lại mua. Mua về trữ nhiều trong nhà, nhưng nếu không biết bảo quản đúng cách, tủ lạnh nhỏ quá chẳng hạn có khi đồ nhanh hư hỏng rồi lại đổ bỏ đi thì còn lãng phí hơn", chị Giang nói.
Chị Nguyễn Thu Trang, trú Q.8, TP.HCM quê ở Quảng Bình thì rất bình tĩnh trong dịch bệnh vì nhiều năm nay, để các con luôn có thực phẩm sạch, bố mẹ ở quê vẫn gửi thùng xốp thịt cá đông lạnh, bí xanh, bí đỏ, bắp cải từ quê vào để các con ăn dần. Chị chỉ cần mua thêm rau xanh, trái cây từ các mối quen bán hàng tại nhà. Kinh nghiệm của chị là các cửa hàng nhỏ lẻ trong các con hẻm luôn có đồ tươi, sạch, không phải chen lấn, chờ đợi lâu.

Chị Trang mua đồ từ cửa hàng bán rau củ quả là mối quen gần nhà

Ảnh Bảo Vy

Còn chị Nguyễn Lan Hương, trú Q.7, TP.HCM từ trước đến nay thường đặt rau củ quả sạch từ một trang trại hữu cơ tại Đắk Lắk gửi xe xuống TP.HCM nên thời gian này không khó khăn để có rau xanh. “Phí vận chuyển bây giờ đắt hơn đợt trước, do ảnh hưởng dịch bệnh, đi lại khó khăn, các shipper cũng ít đi, tuy nhiên tôi mua chung với một số bạn bè khác, trả phí vận chuyển cao hơn một chút để có rau sạch để yên tâm ăn, không phải chen lấn siêu thị để mua hàng cũng là cách tốt”, chị Hương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.