Theo chính phủ Ấn Độ, 3 thành viên khác là Afghanistan, Bangladesh và Bhutan cũng quyết định tẩy chay sự kiện thường niên quan trọng nhất này của SAARC. Có lẽ những nước này muốn thể hiện thái độ ủng hộ Ấn Độ. Trong khi đó, New Delhi tuyên bố quyết định của ông Modi là do Islamabad “can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia thành viên khác và dung túng cho hoạt động khủng bố từ lãnh thổ Pakistan nhằm vào Ấn Độ”.
Như thế cũng có nghĩa là chuyện riêng giữa Ấn Độ và Pakistan ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới chuyện chung của SAARC. Cả hai nước đều thuộc diện thành viên chủ chốt và chỉ cần một trong hai không tham gia thì mọi cuộc cấp cao của SAARC có cũng như không và đều thất bại trước khi diễn ra.
SAARC ra đời năm 1985 nhưng quá trình phát triển đến nay rất trì trệ, vì thế ngày càng tụt hậu hơn so với các tổ chức hợp tác và liên kết khác trong khu vực. Nguyên nhân quyết định nhất là quan hệ đầy trắc trở và căng thẳng, đối địch hơn là hợp tác giữa Ấn Độ và Pakistan. Bằng việc tẩy chay hội nghị cấp cao ở Pakistan, Ấn Độ chủ ý gia tăng áp lực chính trị và dư luận, công cụ hóa tổ chức để phục vụ cho quan hệ song phương. Như thế có lợi cho Ấn Độ bao nhiêu thì bất lợi bấy nhiêu đối với SAARC.
Bình luận (0)