Viêm khớp dạng thấp

22/01/2014 08:00 GMT+7

Tôi là nữ, 24 tuổi, vừa lập gia đình được 5 tháng. Cách đây 2 tuần, tôi bị đau các khớp ở tay và chân. Đi khám bác sĩ chẩn đoán bị viêm khớp dạng thấp và đề nghị điều trị thuốc lâu dài. Xin hỏi bệnh này có lây không? Cách điều trị thế nào? Tôi định sinh con và trong quá trình điều trị, con tôi có bú sữa mẹ được không? Xin cám ơn bác sĩ.

Tôi là nữ, 24 tuổi, vừa lập gia đình được 5 tháng. Cách đây 2 tuần, tôi bị đau các khớp ở tay và chân. Đi khám bác sĩ chẩn đoán bị viêm khớp dạng thấp và đề nghị điều trị thuốc lâu dài. Xin hỏi bệnh này có lây không? Cách điều trị thế nào? Tôi định sinh con và trong quá trình điều trị, con tôi có bú sữa mẹ được không? Xin cám ơn bác sĩ. (nguyenthilanh…@gmail.com)

Ths-BS Trịnh Kiến Trung, Chuyên khoa Nội xương cơ khớp - Bộ môn Nội - Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Phòng khám Nội xương cơ khớp Y - Nha khoa Vạn Phước.

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh tự miễn điển hình với các biểu hiện tại khớp, toàn thân, ngoài khớp ở nhiều mức độ khác nhau, diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề, cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp hữu hiệu. Đây là một bệnh không lây.

Khi nghi ngờ bị bệnh VKDT, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ chuyên khoa khớp càng sớm càng tốt. Trong thời gian này, người bệnh có thể được dùng một loại thuốc kháng viêm không có Steroid (NSAID) thích hợp. Bác sĩ chuyên khoa khớp sau khi chẩn đoán xác định VKDT, sẽ chọn lưạ và sử dụng sớm cho bệnh nhân một thuốc chống thấp khớp có thể cải thiện được bệnh (Disease Modyfing AntiRheumatic Drug - DMARD) phù hợp và thiết lập một chương trình điều trị, theo dõi nghiêm túc, dài hạn. Đây là cách hiệu quả nhất giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa tổn thương xương khớp, hạn chế tàn phế. Rất nhiều giải pháp mới về thuốc sinh học và không sinh học đã và đang được nghiên cứu, bước đầu ứng dụng trên lâm sàng ở các nước phát triển để tăng thêm tác dụng của các thuốc DMARD cổ điển với nhiều hứa hẹn, nhưng thực tế còn chưa thể áp dụng rộng rãi cho mọi người bệnh, đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta hiện nay do chi phí điều trị khá cao.

Trước khi dự định có thai hoặc khi cho con bú bằng sữa mẹ, chị nên gặp bác sĩ chuyên khoa nội xương cơ khớp để được tư vấn và điều trị. Khi có thai vẫn có thể sử dụng một số thuốc như corticosteroid (Prednisone, Methylprednisolone) và DMARD (Sulfasalazine, Hydroxychloroquine, Cyclosporine). Khi đang cho con bú bằng sữa mẹ cũng có thể dùng corticosteroid liều thấp và DMARD (Hydroxychloroquin).

Chuyên mục do Y - Nha khoa Vạn Phước
(số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.