Viễn cảnh AI điều khiển chiến đấu cơ

21/09/2020 07:04 GMT+7

Lầu Năm Góc dự đoán viễn cảnh các phi công sẽ đối mặt chiến đấu cơ được điều khiển bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2024.

Dự đoán trên được đưa ra sau khi hệ thống AI đánh bại một phi công thực thụ trong cuộc không chiến ảo trên máy tính giữa các chiến đấu cơ F-16. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gọi đây là ví dụ về “tác động kiến tạo của AI” trong ngành công nghệ quân sự tương lai.

Thuật toán tiên tiến

Chiến thắng của “phi công AI” chứng minh thuật toán tiên tiến có thể vượt trội hơn con người trong trận không chiến ảo, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. “Cuộc mô phỏng này có thể trở thành hiện thực vào năm 2024, khi đó các phi công sẽ phải đối mặt chiến đấu cơ do AI điều khiển”, chuyên trang C4ISR.net dẫn lời ông Esper phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về AI gần đây.
Trận không chiến ảo trên diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, tại đêm chung kết cuộc thi không chiến AI do Cơ quan Dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng của Lầu Năm Góc tổ chức. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết hệ thống AI do Công ty Heron Systems phát triển đã đánh bại phi công chuyên lái máy bay chiến đấu với tỷ số 5-0.
Hệ thống AI của Heron Systems trở nên nổi tiếng trong suốt cuộc thi vì tính quyết liệt trong chiến đấu. Điểm nổi trội của “phi công AI” là có thể liên tục tiến hành nhắm bắn các mục tiêu trong khung thời gian rất ngắn; liên tục đẩy khả năng chịu đựng trọng lực của khung máy bay đến mức cao nhất mà không vượt quá mức đó; và không bị ảnh hưởng bởi áp suất buồng lái lớn trong những thao tác mãnh liệt.

Nguy cơ bị đối phương kiểm soát

Tuy nhiên, hệ thống vẫn chưa hoàn hảo vì còn mắc vài lỗi trong thao tác cơ bản của chiến đấu cơ như tự động quay lưng lại với máy bay đối phương trong một số tình huống. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết lỗi này vẫn chưa thể khắc phục và thừa nhận AI trước mắt không thể thay thế con người trong tình huống phải đưa ra quyết định mang tính sống còn.
Mặt khác, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại vũ khí AI dễ bị đối phương kiểm soát bằng cách tấn công mạng và hệ thống phá sóng, gây nhiễu. Tuy “phi công AI” có thể thích nghi nhanh và học hỏi từ những thất bại nhưng vẫn có nguy cơ “máy móc” tấn công nhầm mục tiêu, sát hại thường dân, Đài CNBC dẫn lời các chuyên gia cho biết.
Dù vậy, ông Esper cho biết AI có tiềm năng thay đổi chiến trường và quốc gia đầu tiên sử dụng nó sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Lầu Năm Góc cũng đang hướng đến ý tưởng máy bay không người lái (UAV) yểm trợ được điều khiển bằng AI, chẳng hạn chiếc Loyal Wingman do Hãng Boeing phát triển. Loyal Wingman có thể nhận lệnh tấn công yểm trợ hoặc tiến hành sứ mạng cảm tử từ một phi công lái chiến đấu cơ gần đó.
Hiện Nga và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh gay gắt với Mỹ trong lĩnh vực phát triển AI phục vụ mục đích quân sự, theo tờ Asia Times.
Bộ trưởng Esper lưu ý Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố quốc gia nào dẫn đầu về AI sẽ “thống trị thế giới” và Moscow trong những năm gần đây tăng cường đầu tư vào công nghệ này. “Moscow đã hé lộ thông tin về chương trình phát triển hệ thống AI vận hành tự động các xe quân sự, máy bay và tàu ngầm hạt nhân. Chúng tôi dự đoán Nga sẽ triển khai vũ khí AI tại các khu vực tác chiến trong tương lai”, ông Esper nói.
Bộ trưởng Esper cũng nhắc đến chương trình phát triển AI của Trung Quốc nhưng góc độ khác. Ông Esper cho rằng Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống AI giám sát người dân với hàng trăm triệu camera bố trí khắp đất nước này cùng hàng tỉ điểm dữ liệu được cập nhật trong thời gian thực. Trái lại, Washington đi tiên phong trong tầm nhìn về công nghệ mới nổi như AI là nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ và đảm bảo quyền riêng tư cho tất cả người dân, theo ông Esper.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.