Viễn cảnh chạy đua tên lửa hạt nhân Ấn - Trung

20/09/2013 11:00 GMT+7

Việc Ấn Độ tăng tốc chương trình tên lửa liên lục địa có thể khiến Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

Việc Ấn Độ tăng tốc chương trình tên lửa liên lục địa có thể khiến Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.


Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa Agni-V hôm 15.9 - Ảnh: Reuters 

Dẫn lời một số quan chức cấp cao, giới truyền thông Ấn Độ loan tin chính quyền đang bắt đầu phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn xa nhất từ trước đến nay trong kho vũ khí của nước này.

Sức mạnh Thần lửa

Tờ The New Indian Express dẫn lời một nhà khoa học thuộc Tổ chức Phát triển và nghiên cứu quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ tiết lộ cơ quan này đang bí mật phát triển tên lửa có tầm bắn 6.000 km. Hiện tên lửa có tầm bắn xa nhất của nước này là Agni-V (5.000 km). Theo nguồn tin trên, tên lửa đang được phát triển là Agni-VI và trong tương lai có thể được mở rộng tầm bắn lên đến 10.000 km.

Hồi đầu tuần, Giám đốc DRDO Avinash Chander, kiến trúc sư trưởng chương trình tên lửa Agni (tên vị Thần lửa của đạo Hindu), dự đoán New Delhi có khả năng phát triển tên lửa tầm bắn 10.000 km trong vòng 2 năm rưỡi. “Tầm bắn là phạm trù dễ giải quyết nhất”, tờ The Times of India dẫn lời ông Chander nói. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi DRDO lần thứ hai thử thành công tên Agni-V hôm 15.9. Với Agni-V, Ấn Độ lần đầu tiên đã có thể đặt nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh vào tầm ngắm. Không dừng lại ở đó, Ấn Độ vẫn chưa hài lòng với tầm bắn 5.000 km của Agni-V nên quyết tâm phát triển Agni-VI để thực sự trở thành một thế lực ICBM.

Bên cạnh đó, từ Agni-V trở đi, tên lửa Ấn Độ sẽ được lắp đặt thiết bị chứa nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV), có thể chứa nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc và khi được bắn đi, các đầu đạn sẽ tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau. “Trong khi Agni-V có thể mang đến 3 đầu đạn hạt nhân, tên lửa thế hệ kế tiếp có thể mang 10 đầu đạn, đủ sức tấn công nhiều mục tiêu khác nhau”, The New Indian Express dẫn lời một chuyên gia của DRDO cho hay. Cũng theo tờ báo, Agni-VI sẽ sẵn sàng bước vào giai đoạn thử nghiệm trong vòng 3 năm nữa.

Áp lực chạy đua vũ trang

Chương trình phát triển ICBM của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy Trung Quốc triển khai các tên lửa trang bị MIRV, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng trong khu vực. “Giới chức Ấn Độ đã khẳng định ICBM của mình có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Diễn biến trên, kết hợp với động thái tăng khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Thái Bình Dương, có thể thúc đẩy Trung Quốc triển khai tên lửa được trang bị MIRV”, tờ The Times of India dẫn báo cáo Danh sách vũ khí hạt nhân toàn cầu 1945 - 2013 viết. Tác giả của báo cáo là 2 chuyên gia Hans Kristensen và Robert Norris thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ. Theo ông Kristensen, nếu Ấn Độ và Trung Quốc đồng loạt phát triển ICBM trang bị MIRV, cả khu vực sẽ bị đẩy vào cuộc chạy đua hạt nhân đầy căng thẳng.

Báo cáo trên ước tính Trung Quốc có ít bom hạt nhân nhưng đang sở hữu khoảng 250 đầu đạn hạt nhân và sẽ tăng thêm, còn Ấn Độ có khoảng 90 - 110 đầu đạn và cũng lên kế hoạch gia tăng khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Ngoài ra, trang tin Washington Free Beacon dẫn lời giới chuyên gia nhận định các tên lửa đạn đạo DF-31 (tầm bắn 7.200 - 8.000 km) và DF-31A (11.200 - 12.000 km) của Trung Quốc nhằm vào Nga và Ấn Độ, còn DF-41 (12.000 - 14.000 km) được thiết kế để xuyên phá hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Các chuyên gia Kristensen và Norris còn cảnh báo không thể không tính đến nhân tố Pakistan, đối tác thân thiết với Trung Quốc và là “láng giềng khó chịu” của Ấn Độ. Islamabad được cho là đã sản xuất từ 100 - 120 đầu đạn và đủ vật liệu hạt nhân để chế tạo thêm. Do vậy, những diễn biến trên có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chạy đua vũ khí trên bình diện cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ không giới hạn xuất khẩu quốc phòng cho Ấn Độ

Trong nỗ lực thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp công nghệ quân sự hàng đầu cho Ấn Độ, Mỹ hứa hẹn dỡ bỏ mọi rào cản trong xuất khẩu khí tài, đẩy mạnh các chương trình hợp tác phát triển vũ khí và sẽ đối xử với Ấn Độ “bằng vai phải lứa” với các đồng minh thân cận như Anh hay Úc. Tuyên bố trên được Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra trong chuyến thăm New Delhi đang diễn ra, theo tờ The Times of India. Dự kiến, hợp tác về lĩnh vực này là một chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vào tuần sau.

Trong khi đó, trang Washington Free Beacon đưa tin Trung Quốc vừa kêu gọi Mỹ nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng công nghệ hiện đại và dỡ bỏ các giới hạn lâu nay về công nghệ quốc phòng. Theo đó, trước thềm cuộc họp Ủy ban Hợp tác thương mại Mỹ - Trung sắp tới, giới chức Bắc Kinh đã cung cấp cho phía Washington danh sách chi tiết các mảng công nghệ không gian và quân sự mà họ muốn được điều chỉnh. Tuy nhiên, Washington Free Beacon dẫn lời một số quan chức và chuyên gia Mỹ cho biết điều này sẽ khó thành hiện thực trong tương lai gần.

H.G

Thụy Miên 

>> Đơn vị tên lửa hạt nhân Mỹ lại gặp vấn đề
>> Mỹ đình chỉ công tác 17 sĩ quan phụ trách tên lửa hạt nhân
>> Thủ tướng Anh muốn có tên lửa hạt nhân để đề phòng Triều Tiên
>> Ấn Độ ra mắt tên lửa hạt nhân tầm xa mới
>> Quân đội Trung Quốc khoe khoang dàn tên lửa hạt nhân
>> Tàu ngầm Israel mang tên lửa hạt nhân tiến gần Iran  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.