Viễn cảnh giá dầu tăng vọt do OPEC cắt giảm sản lượng

07/12/2022 19:08 GMT+7

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đối tác trong tương lai có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhằm ngăn đà trượt dốc gần đây của giá dầu và cân bằng thị trường.

Ngày 4.12, OPEC và đối tác (OPEC+) họp trực tuyến thay vì tổ chức đàm phán trực tiếp tại thủ đô Vienna (Áo) như kế hoạch ban đầu nhằm đưa ra quyết định về hạn ngạch sản lượng dầu mỏ của các quốc gia thành viên trong liên minh sao cho phù hợp với các diễn tiến trên thị trường.

Cuộc họp thảo luận các vấn đề quan trọng của liên minh do ảnh hưởng tiềm tàng từ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga, cũng như nhu cầu suy giảm của Trung Quốc do ảnh hưởng của chính sách “zero-Covid”. Kết quả, OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác mà không giảm thêm.

Các nước OPEC và OPEC+ sắp có cuộc họp để thảo luận về mức sản xuất dầu

AFP

Tuy nhiên, việc tạm ngưng chưa cắt giảm thêm sản lượng có thể không được duy trì trong các cuộc họp lần tới

Trước đó, tại cuộc họp chính sách vào ngày 5.10 tại Vienna, các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ đã nhất trí cắt giảm thêm sản lượng khai thác ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11.2022. Đây quyết định giảm sản lượng lớn nhất của liên minh kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Theo khảo sát của hãng Reuters vào ngày 30.11, sản lượng dầu của OPEC đã giảm xuống mức 29,01 triệu thùng/ngày trong tháng 11, phù hợp với cam kết cắt giảm sản lượng của liên minh. Trong đó, Ả Rập Xê Út đã cắt giảm sản lượng mạnh nhất, với mức giảm 500.000 thùng/ngày so với tháng 10 theo đúng theo cam kết, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Kuwait. Mức cắt giảm sản lượng của Algeria tương đương 50% mức cam kết, tuy nhiên, Iraq - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, hầu như không cắt giảm sản lượng do đang kêu gọi nâng hạn ngạch sản lượng sản xuất dầu.

Nga thà giảm sản lượng chứ không chấp nhận giá trần dầu mỏ phương Tây áp đặt

Mặc dù OPEC đã cắt giảm sản lượng dầu mỏ như cam kết nhưng giá dầu Brent vẫn đi xuống, thậm chí có thời điểm chạm mốc 80 USD/thùng.

Dấu hiệu về đợt cắt giảm mới

Hãng Bloomberg dẫn thông tin từ các đại diện OPEC+ cho biết một trong các lựa chọn của liên minh vẫn là cắt giảm thêm sản lượng cho dù trước đó đã có thông tin về việc liên minh thể tạm ngừng cắt giảm để đánh giá tác động tiềm ẩn. Hơn nữa, gần đây OPEC+ cũng đã ám chỉ rằng họ có thể thực thi việc cắt giảm sâu hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu thô.

Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Salman cũng phát đi tín hiệu rằng OPEC+ “sẵn sàng can thiệp” bằng việc cắt giảm sản xuất thêm nữa nếu cần để “cân bằng cung cầu”.

Ngày 27.11, ông Saadoun Mohsen, đại diện Iraq tại OPEC, cho biết quyết định của OPEC+ về việc giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày vừa qua đã đóng vai trò quan trọng nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, thị trường lại có nhiều biến động do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Do đó, rất khó để liên minh có thể đảm bảo sự ổn định về sản xuất và giá dầu được.

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cho rằng nhiều khả năng OPEC+ sẽ có thêm biện pháp để ngăn đà trượt dốc của giá dầu và cân bằng thị trường.

Đa số các thương nhân và các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát trong tuần này của Bloomberg đều dự đoán sắp tới OPEC+ có thể sẽ cắt giảm khoảng 250.000 đến 2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các nhà tư vấn tại Công ty Energy Aspects Ltd (Anh) cho rằng OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì các đợt cắt giảm hiện có (hiệu lực đến cuối năm 2023) chứ chưa vội cắt giảm thêm ngay, trong lúc chờ các đánh giá về các tác động tiềm ẩn của việc này cũng như ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt với Nga.

Một công nhân đứng cạnh máy bơm dầu ở mỏ Sergeyevskoye tại Bashkortostan, Nga

Reuters

Nhà phân tích Amrita Sen của Công ty Energy Aspects nhận định có lẽ OPEC sẽ phải chọn giữa việc gia hạn chính sách hiện tại hoặc thậm chí cắt giảm sản lượng mạnh hơn nữa bởi họ rất thận trọng về vấn đề cung cầu trên thị trường.

Chiến lược gia Helima Croft tại Công ty môi giới RBC của Canada cho rằng có khả năng OPEC+ sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định quyết liệt nào cho đến sau khi có những diễn biến và số liệu thị trường rõ ràng do EU áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.

Giá dầu được dự báo lên mức 110 USD/thùng trong năm 2023

Reuters

Tác động tiềm tàng đến thị trường

Việc OPEC+ có khả năng cắt giảm sản lượng sẽ tác động lớn đến thị trường, nhất là trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường toàn cầu đang thắt chặt, tồn kho tại các nước phát triển hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Trong khi đó, ngày 5.12, lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của EU sẽ có hiệu lực và EU vừa nhất trí áp giá trần với dầu của Nga là 60 USD/thùng, theo CNN. Hơn nữa, giới chức Nga đã khẳng định sẽ không bán dầu cho các quốc gia hưởng ứng việc áp giá trần của EU, từ đó làm tăng khả năng chênh lệch cung cầu trên thị trường là rất lớn.

Có thể nói, tác động tiềm tàng đến thị trường đã xuất hiện khi mới đây, ngày 29.11, giá dầu thô tăng lên mức 85,26 USD/thùng, giá dầu thô WTI tăng 1,66 USD/ thùng lên mức 78,90 USD; trong khi đó, hợp đồng giao sau được giao dịch ở mức 79,09 USD/thùng, tăng hơn 2,4%.

Theo dự báo của Goldman Sachs, với đà giảm sản lượng này của OPEC+, giá dầu thô Brent sẽ chạm mức 110 USD/thùng trong năm 2023. Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn ở phía trước, nhất là khi OPEC+ cũng đang chịu sức ép từ các nước tiêu thụ dầu cần ghìm lạm phát. Hơn nữa, nếu tiếp tục cắt giảm sản lượng, quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Do đó, nhiều nhà quan sát nhận định, sẽ không có thay đổi bất ngờ nào đối với chính sách sản lượng hiện nay của OPEC+.

Có thể thấy thị trường dầu thế giới thời gian qua đã bị chi phối bởi nhiều yếu tố, đó là thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC+ trong việc có nên tiếp tục cắt giảm sản lượng trong mùa đông này hay không, đó là nỗi lo về suy thoái kinh tế, sự giảm sút nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng như đánh giá của các nhà phân tích và đầu tư về các biện pháp trừng phạt của EU đối với dầu thô của Nga. Sắp tới, nếu OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng, giá dầu thế giới chắc chắn lại sẽ tăng cao hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.