Xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2:

Viện kiểm sát: 2 chiếc túi Hermes của Trương Mỹ Lan đang là tang vật vụ án

Phan Thương
Phan Thương
27/09/2024 17:21 GMT+7

Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX 'xin lại 2 túi xách hiệu Hermes được làm từ da bạch tạng' có size 25 và size 30 vì đây là kỷ niệm.

Chiều 27.9, HĐXX tiếp tục thẩm vấn một số bị cáo làm rõ đến các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ và các quyền tài sản của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 bị cáo ở giai đoạn 2.
Viện kiểm sát: 2 chiếc túi Hermes của Trương Mỹ Lan đang là tang vật vụ án- Ảnh 1.

Đại diện Viện KSND TP.HCM và Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại tòa

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cụ thể, liên quan đến 2 túi xách hiệu Hermes được làm từ da bạch tạng, mà bị cáo Trương Mỹ Lan có đề nghị xin lại vì "2 túi đó là kỷ niệm". Trong buổi chiều, HĐXX làm rõ thêm về kích thước, màu sắc, thì bị cáo Lan cho biết, có 1 túi xách được chính bị cáo mua tại Ý size 25, 1 túi xách bị cáo được một tỉ phú người Malaysia tặng, size 30.

"Hai túi đó là vật kỷ niệm, cũng để lại cho con cháu, xin HĐXX cho xin lại. Cái đó không đáng bao nhiêu", bị cáo Lan trình bày, và nói thêm mong được phong tỏa sớm 2 túi xách này vì "để lâu, không được chăm sóc sẽ bị hư".

Số phận 2 chiếc túi Hermes cá sấu bạch tạng của Trương Mỹ Lan

Về túi xách Hermes size 25, đại diện Viện KSND TP.HCM hỏi bị cáo Lan để làm rõ một số thông tin. Theo Viện kiểm sát, chiếc túi này được mua bằng thẻ tín dụng của bị cáo Chu Lập Cơ, có thông tin số thẻ. Bà Trương Mỹ Lan trả lời, vì mua lâu rồi nên không nhớ. Viện kiểm sát tiếp tục thông tin với bị cáo Lan, 2 chiếc túi Hermes đang thu giữ, bảo quản làm tang vật vụ án.

Trên 11.171 tỉ đồng thu được từ bán trái phiếu trộn lẫn dòng tiền của SCB?

Cũng trong buổi chiều, trả lời HĐXX, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trình bày, giữa ngân hàng và Công ty CP chứng khoán Tân Việt (TVSI) có hợp đồng thỏa thuận về nội dung SCB sẽ giới thiệu khách hàng có nhu cầu đầu tư trái phiếu cho TVSI. Và theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước thì SCB được thực hiện công việc này.

"Nhiệm vụ của SCB là giới thiệu khách hàng có nhu cầu đầu tư, không chèo kéo, thuyết phục khách hàng chuyển sang trái phiếu thay vì dịch vụ khác của SCB. Khi khách hàng đầu tư, SCB không thu phí trái chủ, mà phí giới thiệu sẽ do TVSI trả cho SCB ngay từ đầu khi các bên ký hợp đồng", đại diện SCB trình bày.

Viện kiểm sát: 2 chiếc túi Hermes của Trương Mỹ Lan đang là tang vật vụ án- Ảnh 2.

Luật sư Phan Trung Hoài (bìa trái) bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan

ẢNH: NHẬT THỊNH

Ngoài ra, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) cũng hỏi đại diện SCB về việc sử dụng nguồn tiền hơn 30.869 tỉ đồng thu được từ phát hành trái phiếu.

Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: theo kết luận điều tra, trang 30 thể hiện, từ tháng 9.2018 - tháng 3.2020, việc sử dụng hơn 30.869 tỉ đồng thu được từ việc bán trái phiếu bị trộn lẫn với nhiều khoản tiền khác ở SCB, tạo thành nguồn tiền trên 61.000 tỉ đồng. Trong đó, bóc tách được trên 11.171 tỉ đồng có riêng từ nguồn tiền bán trái phiếu. Ông có ý kiến gì không".

Đại diện SCB trả lời: "Nội dung được đề cập trong kết luận điều tra, chúng tôi tôn trọng và không có ý kiến gì thêm".

Tiếp tục, luật sư Phan Trung Hoài hỏi đại diện SCB về nguồn tiền 5 pháp nhân chuyển vào (545 triệu USD - PV) để mua 30% cổ phần SCB đã được xác nhận và Ngân hàng Nhà nước cũng từng ý kiến đây là một trong kết quả nổi bật tái cơ cấu SCB, có đúng không?.

Đại diện SCB trả lời: "Xin không có ý kiến".

Túi Hermes 'bạch tạng' đắt cỡ nào mà bà Trương Mỹ Lan xin lại?

Bên cạnh đó, trước câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài về việc SCB có báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền về các giao dịch lớn, chuyển tiền quốc tế lớn, giao dịch đáng ngờ hay không, SCB khẳng định "có thực hiện".

Ngày 30.9, HĐXX sẽ tiếp tục thẩm vấn Cục Phòng chống rửa tiền, đại diện 2 con gái của bị cáo Trương Mỹ Lan và nhiều cá nhân, tổ chức liên quan khác.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị xét xử hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.869 tỉ đồng của 35.824 nhà đầu tư thông qua phát hành 25 mã trái phiếu "khống"; rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng; vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng).

Ở giai đoạn 1 của vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên bị cáo Lan án tử hình vì chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỉ đồng. Vụ án đang chờ xét xử phúc thẩm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.