Tại Đại hội đồng Cổ đông Masan diễn ra sáng ngày 25.4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang chia sẻ, Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo", là niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng. Masan Consumer là doanh nghiệp có ‘thành tích’ về tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định. Đây là tài sản giá trị nhất trong hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ của Tập đoàn Masan.
Vốn hóa đạt hơn 158.000 tỉ đồng, đứng đầu ngành tiêu dùng
Kết thúc ngày 21.6, sau giai đoạn hưng phấn vượt mốc 1.300 điểm, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều phiên "điều chỉnh", hiện VN-Index đạt 1.282,02 điểm. Trong đó, cổ phiếu MCH của Masan Consumer tiếp tục giữ vững đà tăng, là cổ phiếu có được đà tăng ấn tượng nhất họ Masan trong thời gian qua. Kết phiên giao dịch ngày 21.6, thị giá MCH tăng nhẹ, đạt mức 220.500 đồng/cổ phiếu.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu MCH tăng 150%, xác lập giá trị vốn hóa thị trường hơn 158.000 tỉ đồng, để trở thành doanh nghiệp lớn bậc nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán Việt.
Chi trả cổ tức "khủng"
Theo thông tin từ cuộc họp Đại Hội đồng Cổ đông của Masan Consumer doanh nghiệp có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 100% (1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng). Trước đó, vào tháng 7.2023, công ty đã tạm ứng 45% (1 cổ phiếu nhận 4.500 đồng) và sẽ chi trả 55% (1 cổ phiếu nhận 5.500 đồng) còn lại trong tháng 7 tới đây.
Báo cáo phân tích mới đây của chứng khoán Vietcap lưu ý, mức chi trả cổ tức 10.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2023 của MCH cao hơn mức chi trả hàng năm là 4.500 đồng/cổ phiếu trong 5 năm qua (ngoại trừ năm 2022 không chia). Ngoài ra, lợi suất cổ tức (cổ tức bằng tiền/thị giá cổ phiếu) của MCH tương đương 7,2%, tương đối cao.
Ngoài ra, trong nội dung văn bản công bố thông tin mới đây, Masan Consumer có đề cập việc lấy ý kiến cổ đông để tạm ứng cổ tức năm 2024. Trước đó, theo nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông, Hội đồng quản trị Masan Consumer được ủy quyền lên phương án để chia hết toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31.12.2023. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 của Masan Consumer là hơn 16.124 tỉ đồng, tương đương 10% vốn hóa hiện tại. Điều này hé lộ rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chia cổ tức trong thời gian tới sau quyết định chia cổ tức tỷ lệ 100% trước đây.
Theo đó, nếu MCH chia hết phần lợi nhuận giữ lại còn lại trong năm nay bằng cổ tức bằng tiền mặt, cùng với cổ tức tỷ lệ 55% vừa công bố, lợi suất cổ tức trên vốn hóa có thể lên tới hơn 10%, cao hơn gần gấp đôi lãi tiền gửi ở một số ngân hàng. Đây là khoản đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư có khẩu vị ưa thích cổ phiếu có mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao.
Biên lợi nhuận vượt trội so với các công ty FMCG trong khu vực
Kể từ năm 2017 đến năm 2023, Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2x tốc độ thị trường chung. Theo một báo cáo mới đây của HSBC, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định.
Năm 2023, công ty thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỉ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. EPS năm 2023 đạt 9.888 đồng/cp, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7.612 đồng/cp. Bên cạnh đó, xét về tiêu chí tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp, trong 5 năm qua MCH đạt trung bình 32,9% trong bộ chỉ số VN30.
Xét về vốn hóa, con số hiện tại của Masan Consumer đã vượt qua Masan (MSN). Với sở hữu chủ chốt tại MCH, giá cổ phiếu MSN đang phản ánh thực tế rằng giá trị nội tại của doanh nghiệp chưa phản ánh đầy đủ. Cụ thể, ngoài MCH, Masan còn sở hữu các mảng khác như WinCommerce, Masan MEATLife, Masan High-Tech Materials, Phúc Long Heritage, cổ phần tại Techcombank… Masan như một căn nhà mà trong đó chỉ riêng tài sản là Masan Consumer và Techcombank đã vượt giá trị ngôi nhà trong khi chưa tính đến các tài sản khác. MCH cũng chưa dừng lại tại đây, doanh nghiệp này sở hữu nhiều tiềm năng để tiếp tục bứt phá trong tương lai, từ đó mở rộng tiềm năng tăng giá của cổ phiếu.
Bình luận (0)