Trong vòng giao hữu quốc tế (tập 11, phát sóng ngày 4.1 trên Vie Channel - HTV2), ngoài các gương mặt giám khảo quen thuộc như Tóc Tiên, Lại Văn Sâm và giám khảo khoa học Trần Thành Nam, ghế nóng Siêu trí tuệ Việt Nam sẽ xuất hiện thêm người cầm cân nảy mực mới đến từ Trung Quốc – Vương Phong, một trong những tên tuổi đình đám trong các mùa Siêu trí tuệ xứ Trung. Anh từng nắm giữ vai trò đội trưởng đội Trung Quốc dẫn dắt các thành viên vượt qua thử thách. Năm 2019, anh được World Economic Forum (WEF) tặng danh hiệu Thanh niên kiệt xuất toàn cầu và được Forbes China đề cử hạng mục Tinh anh dưới 30 tuổi.
Việt Hoàng so tài 'siêu ô chữ' với bậc thầy trí nhớ quốc tế
Chàng sinh viên Việt Hoàng 19 tuổi đến từ Đại Học Bách Khoa Hà Nội được đánh giá rất cao trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam khi thể hiện thành công khả năng đa nhiệm của mình qua các phần vượt thử thách khó siêu cấp.
Vòng Giao hữu quốc tế, đối thủ mà Việt Hoàng phải đối mặt là Simon Reinhard đến từ Đức, cái tên khiến người xem phải “há hốc” khi nghe qua loạt thành tích giải thưởng. Anh được xem là một trong những ông trùm của làng trí nhớ thế giới khi sở hữu gia tài giải thưởng đồ sộ với 2 lần vô địch trí nhớ thế giới, 3 lần vô địch trí nhớ châu Âu, 5 lần vô địch trí nhớ Đức và nhiều kỷ lục siêu khủng khác về trí nhớ.
|
Cả hai sẽ tranh tài kiến thức và khả năng ghi nhớ trong thử thách Bách khoa siêu ô chữ với tổng cộng 50 cụm từ tiếng Anh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Thử thách này sẽ có 25 cụm từ đáp án và 25 cụm từ gây nhiễu được sắp xếp xen kẽ nhau để 2 siêu trí tuệ ghi nhớ.
Về đối thủ trẻ tuổi Việt Hoàng, Simon Reinhard cho biết:“Tôi nghĩ anh ấy là đối thủ mạnh và tôi hy vọng đây sẽ là một trận đấu hấp dẫn”. Còn Việt Hoàng nói rằng: “Đây thật ra là cơ hội để cho em cọ xát và thử sức mình, vì vậy em không có bất kỳ áp lực nào trong cuộc chơi này”. Với kinh nghiệm thi đấu, giám khảo quốc tế Vương Phong cũng đã có những cảm nhận về thử thách: “Độ khó ở giai đoạn thứ nhất là ghi nhớ lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn. Đây là thử thách cho việc ghi nhớ. Giai đoạn thứ hai, khi họ phải viết ra đáp án, lúc này vừa phải vận dụng trí nhớ vừa phải suy luận logic, giống như chúng ta phải làm nhiều việc cùng một lúc. Do đó tuyển thủ phải vận dụng tối ưu tài nguyên của bộ não. Tôi cảm thấy đây là một thử thách rất lớn”.
Đức Phước quyết tìm lối “hạ gục” đối thủ lừng danh Nhật Bản
|
Từng tạo nên cú hích khi giành chiến thắng trước đàn anh để tiếp bước vào vòng trong, cậu bé 14 tuổi Đức Phước sẽ cùng đọ tốc độ xoay rubik cùng một trong những người chơi rubik kỳ cựu nhất Nhật Bản - Yu Sajima. Đến nay, Yu Sajima đã có hơn 10 năm kinh nghiệm thi đấu trong nước cũng như quốc tế với hơn 70 trận đấu, đạt 3 kỷ lục thế giới và 2 kỷ lục quốc gia. Anh đang sở hữu 45 huy chương vàng, 55 huy chương bạc, 57 huy chương đồng.
Đức Phước cùng lối chơi và chiến thuật của mình sẽ bước vào vòng đua tốc độ cùng đối thủ Yu Sajima trong thử thách Rubik thần tốc. Theo đó, trong khu vực chỉ định sẽ có 10 khối rubik đã được xáo trộn bao gồm rubik 2x2, rubik 3x3, rubik Skewb, rubik 3x3 một tay, rubik 4x4, 2 người chơi sẽ đứng ở 2 cực di chuyển theo đúng hướng mũi tên để đuổi theo đối phương với nhiệm vụ gặp rubik xáo trộn sẽ khôi phục về nguyên bản, gặp rubik nguyên bản thì phải xáo trộn.
Chương trình tiếp tục mời đến anh Phan Tử Nghi (Ban quản trị của cộng đồng Rubik Việt Nam) làm trọng tài cho trận đấu giao hữu quốc tế Siêu trí tuệ Việt Nam. Anh nhìn nhận: “Do chương trình đã tăng độ khó lên khi cho thêm rubik skewb và rubik 4x4, nên thời gian tăng lên 7 phút thay vì 5 phút như trước. Đồng thời sẽ có một số luật phạm quy được áp dụng như: giải thiếu 1 bước từ 45 độ trở lên sẽ bị tính thua cuộc; khi giải khối rubik 1 tay 3x3 cả hai sẽ chỉ được dùng đúng một tay và mặt bàn, không được dùng tay thứ hai. Nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra với khối rubik như bị xoay góc hay văng linh kiện trong quá trình đang thi và không phải do lỗi ban đầu thì người chơi phải tự xử lý ngay tại chỗ”.
Bình luận (0)