Trong vai trò giám khảo khoa học của Siêu trí tuệ Việt Nam, PGS-TS Trần Thành Nam (ảnh) nhìn nhận: “Thí sinh Siêu trí tuệ Việt Nam rất có tiềm năng, tôi tin họ hoàn toàn có khả năng thi đấu ngang ngửa với chiến binh siêu trí tuệ các quốc gia khác”.
Qua 5 tập đã phát, anh thấy “siêu trí tuệ” của thí sinh nào khiến mình muốn dành thời gian hơn để tìm hiểu, nghiên cứu thêm?
Có thể thấy năng lực của các Siêu trí tuệ Việt Nam rất đa dạng. Năng lực ghi nhớ ngắn hạn hình ảnh trừu tượng có Diệu Linh, Sơn Tùng, Phương Nghi; khối lượng ghi nhớ lớn, tốc độ có Mai Tường Vân; trí nhớ cảm giác có Thắng Ngô; năng lực số học và tốc độ tính toán có Gia Hưng, Minh Hiếu; năng lực phối hợp thị giác - vận động và tốc độ xử lý có Ngọc Thịnh; trí tuệ kết tinh và trí nhớ học thuật có Phước Vinh. Tôi đánh giá Việt Hoàng (tập 5 vừa phát sóng ngày 23.11) là thí sinh có năng lực trí tuệ tổng hợp từ tri giác không gian, nhận diện khuôn mẫu quan hệ và tái cấu trúc thông tin, kiến thức định lượng và ghi nhớ ngắn hạn đều ở trình độ cao. Họ đều là những trường hợp thú vị cần được đầu tư và nghiên cứu để tìm ra những hỗ trợ giúp tối đa hóa tiềm năng.
Một trường hợp thú vị xuất hiện trong Siêu trí tuệ Việt Nam mà tôi muốn nghiên cứu kỹ hơn là MC Trấn Thành. Tôi vô tình phát hiện anh có năng lực ghi nhớ cảm giác (khứu giác) đặc biệt. Trong số hơn 300 chai dầu thơm đang sở hữu, chỉ cần ngửi qua mùi hương của bất kỳ chai nào là anh có thể ngay lập tức xác định chính xác tên, hình dáng, màu sắc, vị trí đặt trong phòng triển lãm nước hoa của anh ấy.
Có ý kiến cho rằng nếu là “siêu trí tuệ” thì phải tìm - đưa những giải pháp tốt hơn để cho ra kết quả, vì các thí sinh trong chương trình chủ yếu dùng giải pháp có sẵn cộng trí nhớ để có kết quả. Anh có nghĩ như vậy?
Cá nhân mỗi chúng ta đều tiềm ẩn một dạng năng lực trí tuệ nào đó cần được khám phá và truyền cảm hứng. Tôi đồng tình với tiếp cận đa trí thông minh của chương trình. Tôi tin rằng một “siêu trí tuệ” phải có khả năng học tập siêu tốc (ghi nhớ nhanh, truy cập thông tin từ kho trí nhớ dài hạn chính xác và tốc độ); tìm ra ý nghĩa, điểm mấu chốt của vấn đề khi tất cả còn rất mơ hồ; vận dụng kiến thức, kinh nghiệm giải quyết hiệu quả một vấn đề mới (thử thách bất ngờ của chương trình) mà đại đa số người khác không làm được. Khán giả nhiều khi mới chỉ nhìn thấy thể hiện bên ngoài (trí nhớ) mà chưa biết rõ về hoạt động của các vùng não, tính đa nhiệm hay những năng lực tích hợp đã được vận dụng để chinh phục thử thách.
Trong buổi giao lưu mới đây cùng sinh viên , các “siêu trí tuệ” chia sẻ năng lực này trời phú chỉ 1%, còn lại phải do rèn luyện. Theo anh, có công thức chung nào để người có 1% thiên bẩm rèn luyện năng lực ấy? Hiện nay Việt Nam có những môn khoa học nào áp dụng phương pháp này?
Khi được biết những câu chuyện cuộc sống của các thí sinh, điều khiến các giám khảo không vui là có nhiều tiềm năng của các em không được phát hiện sớm, không được khuyến khích và nuôi dưỡng phù hợp. Phụ huynh nhiều khi không nhận diện được các thần đồng cũng là một đứa trẻ cần yêu thương, tôn trọng và sẻ chia chứ không phải bị ép huấn luyện như “gà chọi”. Nhiều trường hợp có dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần cũng đã không được cảm thông và hỗ trợ kịp thời. Điều đó làm hạn chế sự phát triển của rất nhiều tài năng trí tuệ Việt Nam. Có lẽ công thức để 1% thiên bẩm nảy mầm chỉ là thời gian, sự quan tâm và tôn trọng của người lớn với các em mà thôi.
Chúng ta cũng chưa có nhiều trung tâm nghiên cứu bồi dưỡng và phát triển tài năng. Mặc dù hiện nay có một số trung tâm huấn luyện toán tư duy, huấn luyện trí nhớ đã được thành lập nhưng hầu hết mang tính chất cá nhân và tự phát. Vì vậy, rất cần có những trung tâm đào tạo, nghiên cứu và hướng nghiệp cho các tài năng đặt tại các cơ sở giáo dục uy tín, dựa trên việc kết hợp nghiên cứu khoa học về năng lực nhận thức, tâm lý thần kinh, khoa học giáo dục để đưa ra những chương trình đào tạo cá nhân hóa, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các em.
Để các “siêu trí tuệ” Việt Nam tiếp tục tranh tài với các siêu trí tuệ thế giới, các bạn cần được tạo điều kiện hay chuẩn bị thêm những gì?
Với những gì các thí sinh đã thể hiện, trí tuệ Việt Nam không hề nhỏ bé để sánh vai với các “siêu trí tuệ” thế giới. Tôi nghĩ chỉ cần chuẩn bị thêm cho các bạn về mặt thái độ và kỹ năng kiểm soát cảm xúc thi đấu. Đó là tinh thần học hỏi không mệt mỏi, luôn cầu tiến và không sợ hãi khi đối diện với những đỉnh cao; là thái độ thắng không kiêu, bại không nản để duy trì trạng thái tâm lý thoải mái trong vòng thách đấu quốc tế.
Bình luận (0)