Việt Hương 'cứu cánh' cho kịch bản dông dài của 'Ma da'

17/08/2024 07:40 GMT+7

Nghệ sĩ Việt Hương khiến khán giả bất ngờ trước tạo hình gai góc, cùng lối diễn thâm trầm khi vào vai người phụ nữ làm nghề vớt xác trong phim kinh dị 'Ma da'.

Ma da do Nguyễn Hữu Hoàng (Ống kính sát nhân, Song song) đạo diễn, xoay quanh bà Lệ (Việt Hương), người phụ nữ làm nghề vớt xác ở vùng rừng đước Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Mọi người trong xóm đồn bà có căn vớt xác, chính bà Lệ cũng xem đây là cái nghiệp của mình. Ngày nọ, con gái của bà Lệ mất tích, có người trong xóm nói rằng đó là do ma da trả thù. Hành trình giải cứu con gái của nhân vật hé lộ nhiều sự thật đằng sau truyền thuyết tâm linh "ma da kéo giò" bí ẩn.

Việt Hương 'cứu cánh' cho kịch bản dông dài của 'Ma da'- Ảnh 1.

Phim có Việt Hương đóng chính xoay quanh truyền thuyết miền sông nước “ma da kéo giò”

AMF

Việt Hương có vai diễn xứng tầm

Việt Hương từng được mệnh danh “quái kiệt” với lối diễn xuất đa dạng, “cân” đủ thể loại vai. Tuy nhiên vài năm gần đây, chị xuất hiện ở gameshow hay những phim hài - tình cảm nhẹ nhàng, nên thiếu đất diễn.

Đến Ma da, người xem bất ngờ với một Việt Hương mang vẻ ngoài lam lũ, miệng luôn ngậm thuốc lá, gương mặt chai sạm đi vì nắng gió. Chia sẻ với báo chí, Việt Hương bật mí để phục vụ các cảnh quay vớt xác, chị ngâm mình dưới nước hơn 10 tiếng mỗi ngày, đồng thời nhuộm da 6 lần cho “đen giòn”, phù hợp với tạo hình của bà Lệ.

Việt Hương 'cứu cánh' cho kịch bản dông dài của 'Ma da'- Ảnh 2.

Việt Hương mang đến tạo hình cùng tính cách nhân vật mới lạ

AMF

Với nhiều phân cảnh nặng tâm lý, Việt Hương có dịp thả mình vào vai diễn, mang đến một cảm xúc vừa đáng thương, vừa đau đáu. Nhiều lần, kịch bản đẩy nhân vật của chị vào tình thế không lối thoát, để khi chỉ một tia sáng hy vọng nhỏ nhoi xuất hiện, khán giả cũng vỡ òa cùng nhân vật. Không ngoa khi nói bà Lệ là một vai diễn xứng tầm đối với nữ nghệ sĩ.

Ở tuyến phụ, NSƯT Thành Lộc, Trung Dân, Cẩm Ly... diễn ở mức tròn trịa, mỗi vai diễn là một mảng màu cần thiết cho bức tranh sinh động của xóm nghèo ven biển. Phim có hai diễn viên nhí, cũng hoàn thành tốt vai trò của mình. Tương tác tự nhiên của dàn cast khiến vùng sông nước lạnh lẽo cũng trở nên “ấm áp” trong vài phân đoạn, mang đến cảm xúc tích cực cho người xem.

Thu Trang ‘lẻ bóng’ đến chúc mừng Việt Hương ra mắt phim

Kịch bản tâm huyết nhưng thiếu chiều sâu

Phim kinh dị là thể loại luôn được đại chúng quan tâm, song ngược lại, phim kinh dị Việt Nam khi ra mắt thường bị khán giả Việt e dè về chất lượng. Bằng chứng là trong hai năm trở lại đây, không có tên phim nào gây tiếng vang, có phim còn thua lỗ. Với Ma da, người xem ra rạp phần lớn vì danh tiếng của Việt Hương, NSƯT Thành Lộc...

Công bằng mà nói, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng có những điểm đáng khen trong phim điện ảnh thứ ba. Trước hết, anh giữ được không khí căng thẳng, cũng như sự nghiêm túc cần thiết xuyên suốt tác phẩm. Khán giả từng theo dõi Ống kính sát nhân hay Song song dễ nhận ra sự lên tay của nhà làm phim sinh năm 1991, từ chỉ đạo diễn xuất đến cách đặt máy quay, chuyển cảnh đều có sự mượt mà, tự nhiên hơn. Anh biết cách dành ra những khoảng lặng, không thoại, để tâm hồn nhân vật thênh thang cùng với làn nước. Ở những pha jump scare (hù dọa), nhà làm phim cài cắm vừa vặn, dù không có nhiều đột phá.

Việt Hương 'cứu cánh' cho kịch bản dông dài của 'Ma da'- Ảnh 3.

Các pha “hù ma” được thể hiện vừa vặn

AMF

Điểm cộng của phần nhìn còn đến từ tạo hình “phản diện chính” của phim - Ma da. Truyền thông của phim giấu kín tạo hình của thực thể này, tạo cảm giác tò mò cho khán giả. Dù xuất hiện không nhiều, tạo hình của ma da tương đối chân thực, rõ nét, mang đến cảm giác vừa nhớp nháp, vừa ghê rợn. Hòa cùng phần nhìn là âm thanh sinh động, phân định rõ tiếng gió rít, tiếng gào thét của ma quỷ, tiếng xuồng vỏ lãi, cũng như các âm thanh phức tạp của thiên nhiên vùng sông nước.

Kỳ công là thế, nhưng mạch truyện lan man lại là thứ thử thách độ kiên nhẫn của người xem. Từ giữa phim, hành trình tìm con của bà Lệ trở nên dông dài, với nhiều tuyến nhân vật và các cảnh hồi tưởng chồng chéo, tạo cảm giác rối rắm, vô tình khiến mạch phim ngột ngạt, tù túng, không chừa điểm “thở” cho người xem.

Chưa hết, câu chuyện về nghề vớt xác, cũng như văn hóa tín ngưỡng ở miền Tây vốn nên là “xương sườn” của Ma da, lại bị khai thác một cách đại khái. Nhiều khán giả trong suất chiếu sớm cảm thấy tiếc nuối khi phim không khắc họa rõ nét, đầy đặn hơn về nghề vớt xác người, từ đó cũng làm giảm đi sự đồng cảm của họ dành cho nhân vật.

Việt Hương 'cứu cánh' cho kịch bản dông dài của 'Ma da'- Ảnh 4.

Yếu tố văn hóa, tín ngưỡng chưa được khai thác triệt để

AMF

Nhìn chung, Ma da sở hữu tiền đề tốt, song cách khai thác kịch bản chưa hiệu quả. Tác phẩm vượt kỳ vọng của khán giả với dòng phim kinh dị Việt Nam, nhưng cũng không thể xem là một bộ phim hay. Tuy nhiên, với diễn xuất trọn vẹn của Việt Hương cùng các diễn viên, người xem có lẽ sẽ không quá hụt hẫng khi thưởng thức tác phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.