Maryland, Virginia và thủ đô Washington, D.C. (gọi tắt là khu vực Washington Metropolitan) đang trải qua những ngày lạnh nhất trong năm. Trận bão tuyết thứ ba đã ập tới. Nhiệt độ hầu như dưới 0, có bữa xuống tới -15 độ C. Mọi thứ bên ngoài đông đá hết.
Mỗi sáng, thức dậy đi làm đúng là một cực hình khi phải độn tới mấy lớp áo quần, khăn choàng, mũ mão, bao tay các thứ. Nhìn những đứa bé xíu xiu đứng chờ xe buýt tới trường mà thương dữ dội. Than vậy thôi chứ tôi cũng ráng dậy sớm chút để chở cháu đi học. Chứ bắt cháu đợi xe buýt thì xót quá. Bữa nào trường đóng cửa tôi mừng hết lớn, vì được ở trong căn hộ ấm áp thêm nửa tiếng, chờ mặt trời lên cho ấm mới bước ra ngoài.
Những ngày lạnh nhất trong năm đã tới, cũng có nghĩa là mấy ngày Tết dân tộc sắp về. Tôi không về thăm quê như đã hẹn với người thân và bè bạn. Năm thứ hai liên tiếp đón xuân bên này và không biết lần thứ bao nhiêu trong 22 mùa xuân miên viễn, tôi đón giao thừa giữa cái lạnh cắt da cắt thịt xứ người. Chị tôi gửi hình nhà cửa trang hoàng, sơn sửa, các loại hoa nở trước sân. Lên Facebook thấy mọi người đăng hình hoa mai, hoa cúc, hoa đào, bánh mứt, củ kiệu, bánh tét bánh chưng; thấy bạn bè hú hí nhắn tin hẹn hò, họp lớp, họp nhóm đủ kiểu mà sinh tâm bệnh. Muốn đóng Facebook lẫn Zalo cho yên chuyện. Rồi nghĩ hổng biết họ lấy gì để liên lạc với mình. Sân si vậy thôi chứ nhìn người ta vui mình cũng thấy vui đôi chút.
Chúng tôi vừa hồi sinh (đúng nghĩa) sau những ngày nhiễm Covid-19 từ Giáng sinh qua Tết Tây rồi kéo dài nửa tháng sau đó. Suốt cả năm 2020 tôi hầu như chẳng đi đâu ngoài ở nhà, đi làm và ra công viên chạy bộ. Tôi giữ cho bản thân và gia đình thật kĩ trước những biến chủng tác oai tác quái. Sau hai mũi Pfizer đầu năm 2021, tôi đi khắp châu Âu rồi nam và trung Mỹ. Hoàn thành mục tiêu đặt chân tới 50 tiểu bang Mỹ của mình.
Khi chích mũi 3, tôi làm một chuyến về Việt Nam thăm gia đình, người thân và bè bạn. “Cày nát” cả Ninh Hoà với Sài Gòn, tiếp xúc rất nhiều ca dương tính nhưng khi kiểm tra vẫn cứ một vạch. Cứ tưởng mình… "bất tử" rồi. Vậy mà cuối cùng tôi vẫn dính khi làn sóng Omicron tràn qua toàn nước Mỹ.
Cháu tôi ho và đau họng trước. Cứ tưởng là cảm cúm thôi, cho uống Tylenol hai bữa thì thằng bé mạnh khù. Rồi chị tôi than tự nhiên tối đau họng quá. Sẵn còn mấy que thử mang từ Việt Nam sang, tôi lôi ra test. Kết quả chị và thằng cháu nhỏ hai vạch. Tôi và cháu lớn một vạch. Nhà có ba phòng nên hai mẹ con ở phòng lớn. Cậu cháu ở phòng nhỏ. Tôi dặn hai anh trai cẩn thận. Hạn chế về nhà.
Hôm sau tôi chở mọi người đi test lần nữa xem sao. Nhưng trời ơi, đi gần 4 nơi, chỗ nào cũng đông đen. Không biết người đi xét nghiệm ở đâu mà nhiều thế. Có chỗ xếp hàng gần cả cây số giữa ngày lạnh cùng cực, không thấy mặt trời. Nơi mới 10 giờ sáng đã không nhận người. Chỗ thì dòng xe lên tới cả ngàn chiếc, dài mấy dặm.
Tôi không thể nào bắt người nhà chờ đợi, nên lên mạng tìm kiếm và gọi hỏi các văn phòng bác sĩ lẫn phòng khám chung quanh. Sau gần một tiếng vật vã, cuối cùng tôi cũng tìm được văn phòng bác sĩ có test PCR và chỗ khác test nhanh vào ngày mai. Thế là tôi chở mọi người tới PCR trước. Nhà ai cũng có bảo hiểm nên không tốn tiền. Bà bác sĩ tự cho chúng tôi chọt mũi rồi cho toa thuốc về uống trong 10 ngày. Kết quả thì cứ bảo đợi (mãi tới 4 ngày sau mới có kết quả). Hôm sau, tôi chở đi test nhanh. Kết quả vẫn y chang test ở nhà. Bạn tôi khuyên đi thuê khách sạn ở ít ngày rồi về. Nhưng đâu có được, ai chăm sóc chị và hai cháu mình? Thôi dù gì cũng ba mũi rồi, chấp nhận sẽ bị lây dù cẩn thận đeo khẩu trang, bao tay trong nhà này nọ.
Và đúng như những gì tôi đoán. Khi chị và cháu tôi âm tính, thì tôi hai vạch. Không ho, chẳng sốt, cũng không nhức đầu hay đau họng gì. Chỉ có tiếng hơi khàn một tí rồi thôi. Tôi làm việc ở nhà. Gần 10 nhân viên cũng trong hoàn cảnh. Tôi uống Tylenol, Vitamin C, kẽm, nước cam, ổi, gừng sả mỗi ngày. Ở nhà chán quá, mang khẩu ra đường đi bộ lòng vòng cho thoáng thì lạnh. Thế là trong tủ lạnh có gì tôi ăn nấy. Từ món mặn tới ngọt, lạnh tới nóng, tôi ăn đều đều. Tới ngày thứ năm tôi thấy bụng bắt đầu to, người nặng nề hơn.
CDC Mỹ khuyến cáo sau 5 ngày không có triệu chứng thì có thể ra ngoài hay đi làm được rồi (chứ lúc ấy mỗi ngày có cả triệu người dương tính, ở nhà 10 hay 14 ngày như cũ chắc không còn ai để đi làm). Tôi test nhanh vẫn hai vạch nên vẫn làm ở nhà. Tới ngày thứ 10 mới chịu âm, làm tôi mừng hết lớn.
Lúc ấy, làn sóng Omicron cũng bắt đầu đi qua khu vực thủ đô. Học sinh quay trở lại trường sau gần một tháng học online. Tôi vô lại công ty, nhân viên cũng chẳng nghỉ người nào. Cuộc sống diễn ra bình thường. Chợ búa vẫn đông, rạp chiếu phim liên tục sáng đèn. Nhà hàng, quán ăn vẫn mở mỗi ngày. Đi làm kẹt xe như điên. Sân bay kín khách. Dòng người xếp hàng test Covid-19 đã không còn. Chính phủ, trường học, thư viện bắt đầu phát kit test nhanh miễn phí.
Ở nhà hay đi làm suốt không thấy Tết, nhưng ra khu Eden ở Falls Church (Virginia) cách nhà khoảng 30 phút lái xe, mới thấy không khí Tết rần rần. Mấy ngày trong tuần người ta vẫn đi chợ đông đen. Cuối tuần càng kinh khủng, không có chỗ chen chân. Bất kể giá lạnh, bà con ùn tới. Nếu các chợ Mỹ, tới mùa lễ hội người ta giảm giá để đẩy hàng với số lượng lớn. Thì phương châm kinh doanh của chợ Việt lại khác, đây là lúc… tăng giá. Vì đơn giản họ biết, bà con không bao giờ tiếc tiền vào mùa Tết. Ai cũng muốn gia đình có một cái Tết ấm êm. Bánh tét bánh chưng, mứt gừng mứt dừa mứt bí chất lên bao nhiêu cũng hết. Thịt heo, thịt bò, củ kiệu, dưa món chất đầy kệ. Hoa cúc, mai, lay ơn, dưa hấu, quýt, cam, mãng cầu, đu đủ hút hàng. Mấy bà mấy chị tôi quen gói bánh tét không kịp thở mà vẫn không đủ hàng giao. Giá nào người ta cũng mua. Cộng với hai năm dịch bệnh, lạm phát lên cao, giá cả cứ tăng thẳng đứng.
Tôi có dòng máu Việt chảy trong người mà, nên đói con mắt, cũng đi mấy chợ, mua đủ thứ về chất trong nhà. Chưa hết, chị tôi đi chợ gần nhà mua nữa. Trời tháng này tủ lạnh có chật thì đem đồ ra ngoài để không sợ hư. Hoa cúc, lay ơn tôi mua để đầy phòng khách. Kệ, một năm có ít ngày, tốn tí tiền không sao. Miễn thấy ấm áp và mình vui là được.
Tôi nghĩ, người Việt xa xứ là những người giữ gìn truyền thống đậm sâu và vững bền nhất. Quê hương trong lòng chúng tôi như dòng nước thiêng, như những mạch máu chịt chằn len lỏi trong từng ngóc ngách tâm hồn, chảy tràn qua bao thế hệ. Càng đi xa, càng thấu hiểu, nhớ thương, càng luyến tiếc về những tháng ngày ấm êm đã lùi vào dĩ vãng. Càng mong ngóng được trở về, khóc cười, hân hoan, cùng người thân ăn bữa cơm tất niên, đi tảo mộ ông bà, ba má, khấn nguyện bình an giữa lúc đất trời đang chuyển mình vào mùa xuân dân tộc.
Bản tin Covid-19 ngày 29.1: Cả nước 15.150 ca mới | Dòng người về quê ăn tết đông đột biến |
Bình luận (0)