Thị xã giữa những ngày mưa dầm dề xối xả. Ở quê gần cả tuần vẫn không thấy mặt trời lên. Hồi xưa, mỗi lần nghe mưa chín chiều là sợ lắm rồi. Vậy mà giờ chín chiều ấy được nhân lên gấp hai gấp ba, cả tháng trời vẫn chưa chịu dứt. Đêm. Ngoài cửa sổ mưa rơi tí tách, tiếng cóc nhái ễnh ương như bản đồng vọng đất trời giữa đêm khuya thẳm tối. Đồng ruộng xứ này giờ hầu như đã nhường lại cho phố thị, dự án, những căn nhà gạch cao tầng. Nhưng đâu đó giữa những khoảng trống nhỏ nhoi, thanh âm của làng quê năm cũ, tiếng vọng của tuổi thơ mấy mươi năm về trước lại ùa về nghe rưng rức hết cả dạ lòng.
Mỗi sáng, ngớt mưa, mở cửa sổ phòng nhìn xuống vườn chuối nõn xanh, cây bưởi ngát hương, mớ mãng cầu dai và ớt xiêm xanh rờn giữa màu xám xịt của đất trời tự nhiên nghẹn lòng quá đỗi. Vườn cây trái ba tôi trồng, sau hơn 12 năm ngày ba mất, cây nào giờ cũng trĩu cành, sai quả, năm mấy mùa ra hái vô ăn. Chỉ có người xưa giờ biền biệt phương xa, một đi không trở lại. Mỗi sáng, tôi ngồi trên xích đu nhà chờ chị mua đồ về ăn, bật iPhone nghe nghệ sĩ Minh Phụng với Mỹ Châu xuống xề câu vọng cổ “Tẩu tẩu ơi ngoài biển rộng bao la thuyền có thể xa bờ đi ngược hướng…” mà nhớ ông già quá đỗi.
Hồi đó mỗi lần về, sáng nào hai cha con cũng ra sân ngồi tư lự bên nhau. Đàn ông đàn ang, đâu nói được những lời tình cảm, hoa mỹ. Chỉ lặng lẽ nhìn và cảm nhận tình thương vô bến vô bờ không gì đong đếm được. Mười hai năm chia biệt, những gì của ba má vẫn không suy suyển tí nào. Vẫn là phòng của ba, nhà của má, cuốn sách của ông nội, cái tủ cái bàn của bà nội… Kỷ vật còn đây vậy mà người đã hoá khói sương.
Giữa mùa Covid-19, hàng quán, chợ búa, cà phê dần mở cửa lại rồi. Bà con ai cũng mang khẩu trang, cẩn thận rửa tay nhưng cũng bất chấp bệnh tật vì cần kiếm sống. Thị xã ngày mưa vốn buồn. Gương mặt những bà hàng năm cũ càng buồn hơn. Cái buồn tuổi tác, sợ lo, bệnh tật khoả lấp hết tất cả những nỗi buồn nhân thế. Khuôn mặt trầm tư, khắc khoải, nếp nhăn dọc ngang, lên xuống, như những đồi cao, núi thẳm, vực sâu, của mấy mươi năm thăng trầm thế sự. Vậy mà họ vẫn nhớ khẩu vị của tôi, thằng nhóc ngày nào giờ đã 40, tóc lấm tấm vài sợi bạc. Cháo lòng không ăn phổi và bao tử mà thèm sụn giòn với cuống họng. Cơm thịt thì ba chỉ với mắm chưng. Bánh canh không ớt đỏ, chỉ xanh và chè làm ơn đừng bỏ đậu trắng. Xôi bắp thêm dừa với muối mè. Bánh căn chỉ ăn trứng gà không cút.
Chị tôi hết nấu canh chua cá mú, cá dìa vò lá me, tới mắm ruột kho thịt ba chỉ, chuyển qua mắm sút, mắm ruốc, mắm chưng ăn kèm rau sống, cà dĩa với cải chua. Những loại mắm giữa mùa mưa bất chợt thành cao lương mĩ vị. Tôi ăn xong uống nước quá trời nhưng vẫn cứ thèm thuồng, mê đắm. Ăn xong, mở tủ lạnh có cả một đống chè khoai sáp, đậu ván, đậu xanh. Và mấy trái dừa xiêm Vạn Thiện đệ nhất thế gian. Công tình giảm cân, giữ eo mấy tháng nay giờ đổ sông đổ bể. Tôi ăn toàn bằng tô với mâm. Thiên đường ăn uống là đây chứ đâu, cần chi kiếm tìm cùng trời cuối đất.
Tôi đã đổi vé tới lần thứ ba. Nhắn cho sếp vài dòng. Ổng bảo an tâm đi. Lần này về khó quá mà. Đừng lo gì hết. Tao gồng gánh nổi bên này. Nghe xong mát ruột mát lòng. Mai mốt qua tui làm bù nhen sếp.
Tôi ra Dốc Lết ngắm biển ngày mưa. Nước cuộn trào, sóng to gió lớn. Những hàng quán tả tơi, xác xơ vì bão và vắng khách ghé thăm. Mấy cô bán hàng ngồi chỏng chơ buồn chia từng lượt khách. Chợ hải sản vắng khách phương xa. Những cô “cò” thấy người là mừng hơn nhặt được vàng khối. Gần hai năm, đặc biệt mấy tháng gần đây, người làm du lịch xứ này chỉ biết ngồi tiếc nuối thời hoàng kim. Chẳng biết bao giờ mọi thứ mới được trở lại như xưa, dập dìu du khách. Đâu đó trong làn mưa buồn như nước mắt, hình ảnh cậu bé ngày nào vác thùng cà rem đi lòng vòng mời khách ùa về trong tâm trí. Ế hàng, bật khóc. Thèm được bán hết để về cho má vui. Có một đêm nằm mơ thấy nước mắt mình trôi ra biển. Biển giờ sóng tràn cuồn cuộn. Sóng lòng tôi cũng nhô nhấp dâng theo.
Hai năm không về, tranh thủ những ngày ngắn ngủi ở quê, tôi mang hoa cúc ra mộ ba má, các anh và cháu. Thắp cho họ nén nhang, bảo con về rồi đây, má ba đừng ngóng trông con nữa. Giữa nghĩa trang mênh mang mây gió, nơi buồn nhất của cuộc đời này, tôi khóc như đứa trẻ mới lên ba, mỗi khi thiếu hơi ấm tình thương giữa đêm mưa vần vũ. Dì Năm bán bột, người phụ nữ chịu thương chịu khó, thương tôi như con, mỗi ngày ngồi ngay bến sống vắng, bên gốc sầu đâu, đợi người tình chinh chiến trở về, cũng đã ra đi sau cơn bạo bệnh. Tôi không đến thắp được cho dì nén nhang tưởng nhớ vì giữa tôi và gia đình dì không còn mối liên hệ, buộc ràng. Dịch bệnh hạn chế tới nhà. Tôi cũng không biết phần mộ dì ở đâu. Cây sầu đâu trên bến sông Dinh cũng bị người ta chặt mất rồi. Tôi sẽ nhớ dì bằng kỷ niệm.
Tôi ghé lại trường cấp ba năm cũ, thăm lại các thầy cô. Vừa bước vào cổng trường đã gặp thầy chủ nhiệm 12. Hai thầy trò bịt mặt kín mít mà vẫn nhận ra nhau, cúi chào ríu rít. Hai mươi mấy năm rời trường, cô chủ nhiệm 11 năm nào mới bắt đầu nghề đầy nhiệt huyết, giờ than, trong bảng lương (theo tuổi tác), cô xếp thứ… 13 rồi. Chẳng mấy năm nữa sẽ về hưu, làm bà giáo già ngồi ngóng nhìn ký ức.
Tôi ghé vào văn phòng thầy hiệu trưởng trao ít tiền bạn nhờ gửi hộ. Ông thầy "hot boy" năm nào giờ ngoài bốn mươi xuân xanh nhưng nhắc lại kỷ niệm vẫn vô cùng cháy bỏng. Tôi vẫn là cậu học trò giỏi giang, nổi tiếng của trường. Bao nhiêu năm vẫn giữ được mối liên hệ với trường. Được thầy cô thương, bạn bè nhớ.
Sáng sáng ngồi cà phê với bạn. Chiều tối tụi nó hú hí ra làm vài chai. Đứa nào cũng khoe âm tính hết rồi. Đừng lo. Ngồi bên nhau, bao câu chuyện từ thuở đi học ấu thơ, cứ tuôn trào ra như thác đổ. Bọn tôi giờ đã bốn mươi, đứa làm giám đốc, trưởng phòng, phó khoa, đứa buôn gánh bán bưng, đi tìm đất cho khách mỗi ngày. Nhưng khoảng cách đều đã xoá nhoà khi ngồi lại xuống. Mùa dịch, gặp được nhau, uống ly bia là hạnh phúc lắm rồi. Rày đó mai đây, biết đâu lần.
Tự nhiên thấy chuyến trở về tốn mấy ngàn đô của mình cũng ý nghĩa ghê. Dù chờ thêm tháng nữa Việt Nam mở cửa ra mọi thứ sẽ rẻ hơn. Mà thôi, sống là không chờ đợi.
Mà cũng may tôi còn có NHÀ để khi nào nhớ quá lại mừng mừng tủi tủi quay về. Không biết những người còn lại sẽ ra sao khi chẳng có nổi cho mình một nơi để nhớ?
Bình luận (0)