Việt kiều Mỹ giữa nỗi lo bạo động

02/06/2020 07:30 GMT+7

Trả lời Thanh Niên , nhiều người Việt sống tại Mỹ cho biết tình hình bạo động xảy ra ở nhiều bang của nước này khiến họ không khỏi lo ngại.

Lợi dụng tình hình để hôi của

Ông Hung Nguyen ở khu vực nam California bày tỏ lo ngại trước những vụ bạo động và hôi của. “Biểu tình đòi công lý cho người da màu là chính đáng. Thực tế là tư tưởng phân biệt chủng tộc ăn sâu vào đầu người da trắng, dù không thể hiện bên ngoài. Còn người da màu cũng biết rõ điều đó nhưng vẫn phải cam chịu và tiếp tục cuộc sống hằng ngày. Tôi theo dõi báo đài và được biết sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin làm việc hơn 20 năm trong ngành nhưng ông đã bị khiếu nại 18 lần liên quan đến hành vi phân biệt chủng tộc. Dù vậy, ông Chauvin vẫn tiếp tục làm việc và đến nay xảy ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi)”, ông Nguyen nói.

Áp đặt lệnh giới nghiêm ở 25 thành phố

Trang Military Times hôm qua dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay khoảng 5.000 binh sĩ Vệ binh quốc gia đã được triển khai tới thủ đô Washington D.C và 15 bang ở Mỹ. Ngoài ra, có thêm 2.000 lính đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. Hiện hơn 25 thành phố tại Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn bạo lực.
Tại TP.New York, ít nhất 30 viên cảnh sát bị thương và khoảng 350 người biểu tình bị bắt. Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết đang điều tra vụ hai chiếc xe cảnh sát lao vào đám đông biểu tình. Một đoạn clip lan truyền trên mạng cho thấy nhiều người quá khích chặn xe cảnh sát và ném nhiều vật thể về phía cảnh sát. Sau đó, cảnh sát đã cho xe lao vào người biểu tình, song chưa rõ có thương vong hay không.
Theo tờ USA Today, Tổng chưởng lý bang Minnesota Keith Ellison ngày 31.5 (giờ Mỹ) thông báo ông sẽ phụ trách tiến trình truy tố những người liên quan đến cái chết của ông Floyd - vốn là nguyên nhân làm bùng phát bạo lực những ngày qua tại Mỹ.
Ngày 31.5, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ liệt liên minh cánh tả chống phát xít Antifa vào danh sách các tổ chức khủng bố và đứng sau các cuộc biểu tình chống cảnh sát.
Theo Reuters, vụ việc tại Mỹ cũng làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ở một số nước như Canada, Anh và Đức...
Danh Toại
Tuy công việc tại hãng sản xuất thiết bị y tế không bị ảnh hưởng, nhưng ông Nguyen cảm thấy lo lắng vì đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua đi thì nay làn sóng bạo động lại bùng phát. “Một số nơi ở bang California vẫn còn giữ nguyên tắc đảm bảo giãn cách xã hội, nhà hàng chưa được phép mở cửa để phòng dịch, trong khi đám đông hàng ngàn người biểu tình lại tập trung đứng gần nhau. Mọi người dân tất nhiên có quyền biểu tình, nhưng nhiều kẻ xấu trà trộn vào đám đông để thực hiện hành vi trái pháp luật, nhất là đốt phá cửa hàng và hôi của”, theo ông Nguyen.
“Tôi nhận thấy kẻ xấu lợi dụng biểu tình để trộm cắp và nhằm vào những mặt hàng thời trang cao cấp, thiết bị điện tử. Nhiều cửa hàng mất doanh thu vì đại dịch Covid-19. Họ chỉ vừa mới được mở cửa trở lại, chưa bán được gì nhiều thì phải đối mặt nạn hôi của. Tôi hy vọng công lý sẽ được thực thi trong vụ cảnh sát giết chết người da màu để xoa dịu sự bức xúc của người dân và đại dịch Covid-19 sớm qua đi để cuộc sống trở lại bình thường”, ông Nguyen nói.
Việt kiều Mỹ giữa nỗi lo bạo động

Cảnh sát canh gác trước siêu thị Target ở TP.Pleasant Hill (bang California) chiều 31.5

Ảnh: T.T

Hạn chế ra đường

Chị T.T ở TP.Pleasant Hill (bang California) cho hay chiều tối 31.5 (giờ VN), chị lái xe chở các con đi mua thuốc và đồ chơi. Tuy nhiên, mọi cửa hàng và tiệm thuốc tây tại đây đều đóng cửa. Chị thấy có cả cảnh sát đứng canh gác phía trước siêu thị Target. Chị T.T kể chính quyền địa phương đã ban hành lệnh giới nghiêm, từ 21 giờ 30 phút hôm nay đến 5 giờ 30 phút ngày hôm sau. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực kể từ tối 31.5 cho đến khi có thông báo mới. Nhà chức trách trước đó cũng cảnh báo người dân hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết, đồng thời cho biết mọi người cứ an tâm vì lực lượng an ninh sẽ đi tuần, canh gác tại các điểm trọng yếu trong suốt đêm để bảo đảm an toàn cho thành phố.
Theo chị Mai Duyên ở TP.Santa Rosa (bang California), chỗ chị có vài nhóm nhỏ xuống đường ở khu trung tâm thành phố nhưng đây chỉ là cuộc biểu tình ôn hòa. Cảnh sát cũng đã được triển khai tại các siêu thị nhằm đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra. Chị Duyên cho hay ở TP.Oakland gần đó, tình hình rất phức tạp vì nơi đây có đông người da màu sinh sống. Nhiều cuộc biểu tình phản đối việc đóng cửa thành phố vì dịch bệnh Covid-19 nhân dịp này đã bùng phát thành các cuộc bạo động. Ban đầu, đám đông biểu tình đập phá một số siêu thị song sau đó đã tràn vào các cửa hàng bán đồ hiệu ở Oakland để “hôi của”.

Thót tim xe bồn chở dầu lao vào đoàn người biểu tình Mỹ

Một người Việt ở TP.New York (Mỹ) cho biết các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra ở các khu Manhattan, Brooklyn và những người xuống đường chủ yếu là người da màu. Theo anh, TP.New York hiện vẫn trong tình trạng cách ly xã hội, người dân vẫn được yêu cầu hạn chế ra đường, nên hiện chưa thấy chính quyền ban hành khuyến cáo mới nào liên quan tới vụ bạo động.
Cô Thu Hoàng (sống tại TP.Los Angeles, bang California) cho biết: “Hiện nay TP.Los Angeles đã bị phong tỏa và đóng cửa hoàn toàn. Các tuyến xe buýt và tàu điện ngầm cũng bị cắt giảm, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Lệnh giới nghiêm bị nâng từ 8 giờ tối lên 4 giờ chiều, nên hầu như người dân cũng không ra đường được. Một số nhà hàng và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ bắt đầu mở cửa lại từ hôm thứ ba tuần rồi (sau thời gian giãn cách xã hội) thì nay phải đóng cửa lại vì nguy hiểm quá”.

Từ ôn hòa đến bạo lực

Còn ông Luy Dang (ở TP.Atlanta, bang Georgia) thì cho biết: Suốt 3 ngày qua, thành phố này đều có lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau để phòng ngừa bạo loạn xảy ra theo các cuộc biểu tình chống nạn kỳ thị chủng tộc. Biểu tình đã xảy ra trên một số thành phố ở bang Georgia, nhưng những điểm đáng nói là ở khu vực trung tâm TP.Atlanta, trước cửa Đài CNN hay công viên Centenial Olympic, và dinh thống đốc thì tình hình rất lộn xộn. Các cuộc tuần hành thường bắt đầu với sự ôn hòa có trật tự, nhưng về sau khi số người biểu tình kéo đến đông hơn thì bạo loạn và sự đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra.

Biểu tình, bạo động lan ra nhiều thành phố Mỹ sau cái chết của người da màu

Theo ông Luy Dang, một số cảnh sát và người biểu tình bị thương, nhiều xe chuyên dụng của cảnh sát bị đốt cháy, một số cửa hàng bị đập phá. Vệ binh quốc gia cũng đã được triển khai để đảm bảo tài sản và tính mạng của người dân. “Cũng may, thành phố đang còn e dè vắng vẻ bởi dịch Covid-19 nên sự thiệt hại và bất tiện trong sinh hoạt của người dân không đáng kể. Tuy nhiên với tình hình này, không ai chắc điều gì sẽ đến ngày mai”, ông cho biết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.