Việt Nam chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển

Thu Hằng
Thu Hằng
23/11/2018 18:30 GMT+7

Các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển. Không chỉ tiết kiệm chi phí, sản phẩm còn kéo dài thời gian bảo quản hải sản trên biển.

[VIDEO] Việt Nam chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển
Hôm nay, 23.11, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ công bố kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ “máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ”.
Máy làm đá tuyết từ nước biển do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phát triển công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo đã được hội đồng khoa học các cấp đánh giá xuất sắc. Sản phẩm được thử nghiệm tại cảng biển và trên tàu cá của vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho thấy máy chạy ổn định, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mới đây, Bộ NN-PTNT công nhận sản phẩm này là tiến bộ khoa học kỹ thuật. Về giá thành của sản phẩm, theo tính toán của các nhà khoa học và thử nghiệm của doanh nghiệp, phương pháp sử dụng đá từ nước biển có thể tiết kiệm 20% so với đá sử dụng nước ngọt.
Thạc sĩ Lê Văn Luân, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, cho biết: “Đây là sản phẩm đầu tiên do các nhà khoa học trong nước tự nghiên cứu chế tạo và sản xuất. Sản phẩm có nhiều ưu điểm so với sản phẩm nhập ngoại, được thiết kế dựa trên nhu cầu của ngư dân. Đặc biệt, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ chế tạo buồng tạo đá tuyết bao gồm: tang trụ, cơ cấu gạt đá, bộ phận phun nước, hệ thống tuần hoàn nước lạnh, bộ trao đổi nhiệt sử dụng hệ thống máy nén một cấp hoạt động ổn định với các tính năng phù hợp với điều kiện thực tế của tàu cá Việt Nam”.
Theo TS Nguyễn Văn Thao, Tổng giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ cao, sản phẩm máy sản xuất đá tuyết của đề tài có năng suất 1.250 kg/24 giờ, tuy nhiên do nhu cầu thực tế trên các tàu cá, mỗi chuyến đi biển cần một lượng đá bảo quản lên tới 50 - 60 tấn, việc này cần phải có những máy có năng suất lớn hơn, tương ứng khoảng 5.000 kg/24 giờ.
Máy làm đá tuyết từ nước biển Ảnh Thu Hằng
Chính vì vậy, các nhà khoa học tại trung tâm đang tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước để nghiên cứu và sản xuất máy làm đá tuyết với công suất lên đến 10 tấn/24 giờ cùng với việc phân tích và xây dựng quy trình sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương chất lượng cao bằng đá tuyết, nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, châu Âu…
Máy làm đá tuyết từ nước biển, theo các nhà khoa học, sẽ đóng góp không nhỏ trong việc khắc phục tình trạng tổn thất sau thu hoạch thủy hải sản. Trên thực tế, dù trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn rất lớn, đặc biệt là trong khai thác thủy sản.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), sản lượng thủy sản của nước ta hiện nay khoảng 6,56 triệu tấn, trong đó khai thác 3,03 triệu tấn, thủy sản nuôi trồng 3,53 triệu tấn; tổn thất sau khai thác thủy sản ở Việt Nam chiếm khoảng 20 - 30% sản lượng khai thác. Nghĩa là mỗi năm, nước ta mất trên 600.000 - 700.000 tấn hải sản do bị hư hỏng, với giá trị ít nhất khoảng 14.000 tỉ đồng.
Thạc sĩ Lê Văn Luân, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, cho rằng: “Nguyên nhân chính của tình trạng tổn thất sau thu hoạch cao là do phần lớn tàu khai thác thủy sản có công suất nhỏ, thiếu trang thiết bị bảo quản sản phẩm. Sản phẩm khai thác chủ yếu được bảo quản bằng đá xay nước ngọt. Công nghệ bảo quản hải sản khi khai thác xa bờ ở nước ta còn có nhiều điểm yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và các thách thức đặt ra”.
Theo ông Luân, trước đây, theo phương pháp truyền thống, ngư dân mang đá được sản xuất từ nước ngọt từ đất liền ra biển bảo quản trên tàu. Phương pháp này nhiệt độ làm lạnh không cao, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản. Tinh thể đá sau khi xay có cạnh rất sắc và thường làm hải sản bị trầy xước, biến dạng do bị cọ xát, chèn ép, làm giảm chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, nguồn nước làm đá thường gần cảng biển, không được kiểm soát chất lượng, hay bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm phèn, ảnh hưởng đến chất lượng của thủy sản đánh bắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.