(TNO) Đây là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trước câu hỏi của báo giới về hoạt động tôn tạo đảo của Việt Nam ở biển Đông. Cuộc họp báo được tổ chức sau lễ đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, cũng như cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt - Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng chủ trì họp báo sau hội đàm
- Ảnh: Trường Sơn |
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Sáng nay trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ashton Carter cũng đã nêu ra vấn đề này. Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng, chúng tôi chủ trương giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), không mở rộng tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình.
Các nước ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc để sớm có một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam vừa qua cũng có củng cố các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Như các bạn biết, lực lượng Việt Nam hiện đang có mặt tại 9 đảo nổi, 12 đảo chìm. Các đảo nổi chúng tôi chỉ kè xung quanh để tránh xói lở đảm bảo cho sự an toàn của quân và dân trên đảo. Các đảo chìm chỉ xây dựng các nhà rất nhỏ cho ít người ở và không mở rộng đảo. Quy mô của chúng tôi hoàn toàn chỉ cho dân sự.
Bộ trưởng Ashton Carter: Sáng nay trong hội đàm chúng tôi cũng trao đổi về các đề xuất của Mỹ rằng, các quốc gia trong khu vực dừng ngay các hoạt động bồi đắp tôn tạo các đảo. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã giải thích rất rõ về các công việc của Việt Nam. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đề cập đến DOC của ASEAN và Mỹ ủng hộ DOC, vì đây là một diễn đàn đa quốc gia mang tính hòa bình. Chúng tôi hết sức ủng hộ.
* Lao Động: Bộ trưởng Ashton Carter có nói đến việc hợp tác thương mại, chế tạo quốc phòng. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Bộ trưởng Ashton Carter: Trong vòng hơn 1,5 giờ vừa qua, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất có kết quả và đề cập đến nhiều vấn đề hoạt động mà Việt Nam và Mỹ đang thực hiện cùng nhau. Trong lĩnh vực an ninh biển, chúng tôi không những nói đến khả năng chia sẻ thông tin, phối hợp cùng nhau mà còn có một số trang thiết bị mua sắm để phục vụ công tác bảo đảm an ninh biển. Chúng tôi cũng nói về việc một số hoạt động đa phương và song phương Việt Nam và Mỹ cùng tham gia. Chúng tôi cũng thảo luận về việc Mỹ giúp đỡ Việt Nam xây dựng trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình đầu tiên.
* VnExpress: Xin hỏi Bộ trưởng Carter là hiện tại Trung Quốc đã cho đưa vũ khí ra Biển Đông rồi. Nếu trường hợp xung đột xảy ra Mỹ sẽ làm gì?
Bộ trưởng Ashton Carter: Trước hết tôi muốn nhắc lại những tuyên bố mà tôi đã đưa ra tại Honolulu tuần trước và Shangri-La hôm qua. Đó là Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực và làm tăng thêm căng thẳng cũng như quân sự hóa các tranh chấp đang diễn tra trong khu vực. Mỹ là nước không có tranh chấp về mặt lãnh thổ tại khu vực, tuy nhiên chúng tôi có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến khu vực này. Những quan tâm, lợi ích đó có liên quan đến tự do hàng hải, tự do lưu thông và tự do thương mại.
Quan điểm của chúng tôi là không có hoạt động nào, của bất kỳ quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ nào có thể làm thay đổi hoạt động của Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, tiếp tục giăng buồm và tiếp tục hoạt động ở những nơi mà luật pháp và quy định quốc tế cho phép, giống như chúng tôi đã làm nhiều năm qua và chúng tôi cũng đề nghị các quốc gia trong khu vực cân nhắc đến đề xuất của chúng tôi, đó là dừng ngay và vĩnh viễn các hoạt động bồi đắp, cải tạo đất. Vì mối quan tâm của chúng tôi là làm sao khu vực này có được sự hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, tự do lưu thông... để tạo điều kiện cho thương mại phát triển, đảm bảo cho các quốc gia, trong đó có cả Mỹ có điều kiện vươn lên phát triển thịnh vượng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trả lời tại họp báo - Ảnh: Trường Sơn
|
Việt Nam muốn tăng cường lực lượng cảnh sát biển
* PV Mỹ: Tôi có 2 câu hỏi. Thứ nhất xin Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, những loại vũ khí, khí tài nào mà Việt Nam mong muốn mua từ Mỹ ? Câu hỏi dành cho Bộ trưởng Carter là trong những năm qua, Việt Nam đã đưa ra những dẫn giải rất tốt về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Theo ông, vấn đề nhân quyền có ảnh hưởng gì đến tiến trình phát triển quan hệ quân sự, quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ?
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Việt Nam hoan nghênh Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương để mở đường cho hợp tác về vấn đề an ninh biển với Việt Nam. Mong muốn của Việt Nam là Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này. Việt Nam và Mỹ giờ đã là bạn bè, đối tác toàn diện, có làm như vậy mới thể hiện sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Điều đó cũng phù hợp với lợi ích của cả hai nước. Cũng không nên gắn vấn đề đó với vấn đề nhân quyền.
Câu hỏi về nhân quyền, ngài Carter sẽ trả lời sau, nhưng tôi muốn nói rằng, vấn đề nhân quyền được Việt Nam đảm bảo rất tốt. Hiện nay như các bạn theo dõi đã biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam có nhiều cơ chế, chính sách luật pháp tôn trọng, để người được thực hiện quyền con người, được tự do, dân chủ, mưu cầu hạnh phúc trên cơ sở luật pháp Việt Nam.
Về những trang bị Việt Nam đề nghị, chúng tôi không chỉ đề nghị riêng với Mỹ. Tôi cũng đã nói với các bạn bè quốc tế ở diễn đàn Shangri-La, tại diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với 18 nước, diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+1 với Trung Quốc. Đó là việc chúng tôi mới thành lập lực lượng Cảnh sát biển, mới được hơn 15 năm. Lực lượng còn rất mới, rất cần được các nước chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo, hỗ trợ về mặt trang bị...
Tất cả các nước nếu các bạn hỗ trợ chúng tôi, không đặt điều kiện gì, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, thì chúng tôi rất hoan nghênh, cảm ơn các bạn. Đề nghị các nước nếu có điều kiện có thể hỗ trợ Việt Nam các loại tàu tuần tra để thực thi pháp luật, để bảo vệ ngư dân, luật pháp trên biển, phù hợp yêu cầu trang bị của Việt Nam, đặc biệt là trang bị mới.
Bộ trưởng Ashton Carter: Trong một thời gian ngắn vừa qua, lãnh đạo hai nước đã có những cuộc thảo luận có kết quả. Những người trong lĩnh vực quốc phòng như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và tôi thì tập trung vào các vấn đề mang tính chất quân sự, quốc phòng. Một tuần trước đây, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đã ở đây và cũng đã thảo luận rất nhiều vấn đề với các nhà lãnh đạo trong Chính phủ Việt Nam, trong đó các vấn đề an ninh, thách thức phi truyền thống..., và những gì chúng ta đã đạt được cùng nhau sau khi 40 năm chiến tranh đi qua. Những cuộc thảo luận của chúng tôi với phía Việt Nam đều là những cuộc thảo luận rất có kết quả và thực chất.
Bình luận (0)