Đó là đề xuất của ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Ngày 11.11, tại TP.HCM diễn ra hội thảo: Nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo, do VFA và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức. Theo VFA, các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam có xu hướng giảm dần sản lượng nhập khẩu hằng năm. Riêng từ đầu năm đến nay, thị trường Philippines giảm đến 66,4%, Malaysia giảm gần 55%, Trung Quốc 21,6%... Nguyên nhân là do chính phủ các nước này đã cố gắng đảm bảo vấn đề an ninh lương thực từ trong nước. Thậm chí ngay cả Trung Quốc cũng khống chế nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm gần đây luôn gặp khó khăn vì đầu ra, giá xuất khẩu giảm. Theo cộng đồng doanh nghiệp ngành gạo, Việt Nam đang rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu gạo để xuất khẩu. Cụ thể vừa dư thừa nguồn gạo phẩm cấp thấp nhưng lại thiếu nguồn cung chất lượng cao. Việc điều chỉnh chiến lược xuất khẩu từ 7 - 8 triệu tấn/năm xuống còn 2 - 3 triệu tấn được cho là “để phù hợp với nguồn cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Năng cho biết.
Để thực hiện chiến lược trên, VFA đề xuất: Tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo theo hướng đi vào chiều sâu là nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cân đối sản lượng lúa gạo hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường và vượt qua thách thức kép về nguồn nước - biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nước biển dâng làm xâm nhập mặn ngày càng sâu; bên cạnh đó là tác động về nguồn nước do các đập thủy điện từ thượng nguồn.
Bình luận (0)