Campchia đưa vào nội dung thi đấu tại SEA Games 32, một số môn võ được đánh giá là độc, lạ. Về mặt hình thức, cũng như các môn võ có xuất xứ từ Đông Nam Á khác, kun bokator sử dụng một loạt các kỹ thuật tấn công đa dạng bằng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối… và nhiều loại binh khí như gậy dài, ngắn, gươm, phrak ( đao chuôi dài)… Hệ thống đòn thế của bokator cũng vô cùng đa dạng, trong đó hầu hết các động tác đều được bắt chước theo phong cách chiến đấu của các động vật hoang dã, của điệu múa truyền thống Apsara.
Môn võ kun bokator được chia thành 2 nội dung thi đấu đó là biểu diễn quyền thuật và đối kháng. Trong nội dung quyền thuật, các nội dung dành cho vận động viên bao gồm bài quyền quy định tay không, bài quy định đánh thủ bài bằng tre đơn, bài quy định đánh đao chuôi dài của người Khmer (Phkak) đơn, bài quy định biểu diễn phong cách đặc trưng kun bokator đơn, bài quy định tập thể tay không và đối luyện tự do.
Võ Bokator, Kun Khmer và cờ ốc tại SEA Games: 3 môn truyền thống của Campuchia có gì hay?
Với nội dung đối kháng, kun bokator sẽ tổ chức thi đấu theo hình thức chia cặp theo từng vòng đấu. Mỗi trận đấu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, nghỉ 1 phút sau mỗi hiệp. Nếu như sau 3 hiệp, 2 võ sĩ có kết quả hòa và đấu hiệp phụ "ghi điểm vàng" ai ghi điểm trước sẽ thắng. Về cách tính điểm, các đòn tay đánh vào giáp đối phương được tính 1 điểm, đánh vào đầu được tính 2 điểm.
Các đòn chân đánh vào giáp đối phương cũng được tính 1 điểm và đánh vào đầu được tính 3 điểm. Các đòn đánh ngã tính 1 điểm, đòn quật ngã tính 2 điểm. Các đòn thế có kỹ thuật đặc biệt như nhảy lên cao đánh trúng đầu đối phương sẽ được tính 5 điểm, nhảy lên cao đánh vào đầu bị đối phương chặn đòn được tính 3 điểm và gối bay đánh trúng vào đầu đối phương sẽ được tính 5 điểm.
Đội tuyển kun bokator Việt Nam với nòng cốt là các võ sĩ võ cổ truyền chuyển sang và sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định khi luật thi đấu giữa 2 môn võ có sự khác biệt. Cụ thể, trong kun bokator, các đòn thế đánh vào đầu và giáp có điểm khác nhau. Trong đó, đòn đá vào đầu có điểm cao nhất. Ở võ cổ truyền, các đòn đánh vào giáp và đầu đều có điểm như nhau.
Một điểm khác nữa đó là trong thi đấu võ cổ truyền, các võ sĩ có thể đánh liên tục với số lượng đòn không hạn chế, còn với kun bokator thì mỗi một nhịp vào đòn chỉ có 3 giây để thực hiện, sau đó trọng tài sẽ dừng lại.
Một đặc trưng riêng nữa của kun bokator đó là các võ sĩ sẽ không được nhún nhảy để tăng tốc độ lúc di chuyển nhập nội như trong võ cổ truyền hay các môn võ khác như karate, taekwondo, boxing… Do đó, các võ sĩ khi chuyển sang thi đấu môn này cần phải có sự tập luyện và chuẩn bị kỹ.
Còn về thuận lợi, môn võ kun bokator cũng có hệ thống kỹ thuật đa dạng như võ cổ truyền Việt Nam với các đòn tay, chân, chỏ, gối, cũng như các đòn đánh ngã như ôm bốc, quật, … nên các võ sĩ khi chuyển sang thi đấu môn này sẽ có sự thích ứng nhanh. Thể hiện được nhiều kỹ thuật vượt trội trong võ cổ truyền.
Tại giải vô địch kun bokator Đông Nam Á diễn ra hồi đầu tháng 4, đội tuyển kun bokator Việt Nam đã có được 3 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ và xếp hạng nhì toàn đoàn ở nội dung đối kháng. Chính vì những điều này đã mang đến hy vọng về khả năng tranh chấp HCV tại SEA Games 32.
Dự kiến, vào ngày 4.5 tới, nội dung quyền kun bokator sẽ được khởi tranh và các VĐV Việt Nam sẽ ra quân thi đấu, theo lịch sơ bộ của BTC Campuchia. Nếu đạt phong độ cao, các võ sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể giành HCV nội dung này ngay ngày thi đấu đầu tiên của môn võ độc lạ bậc nhất SEA Games 32.
Cũng trong ngày 4.5, một môn võ khác là jujitsu sẽ thi đấu và nhiều khả năng, Việt Nam có thể giành HCV. Hy vọng chỉ riêng trong ngày 4.5, thể thao Việt Nam có cơ hội giành từ 2 - 3 HCV ở 2 môn võ, trước khi SEA Games 32 khai mạc vào ngày 4.5.
Bình luận (0)