Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh.
Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định, có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Để thực hiện mục tiêu này, mới đây Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19.
Đồng thời, theo bà Hằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng xác định, sự đồng lòng, chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân, khả năng huy động nguồn lực xã hội là nhân tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Trên tinh thần đó, ngày 26.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP và Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng "tự nguyện" bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin; nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân.
Cho đến nay, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Bà Hằng cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều và sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bình luận (0)