Hoa hậu nhiều như nấm mọc sau mưa
Mới đây, mạng xã hội lan truyền danh sách thống kê các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam. Đáng chú ý, danh sách đăng tải có đến 134 cuộc thi hoa hậu khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Ngoài một số cuộc thi nổi bật, được nhiều người biết đến như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam... thì danh sách cũng có cả những cuộc thi lần đầu nghe tên.
Dù chưa biết tính xác thực về thông tin có hơn 130 cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận thực tế hiện nay có quá nhiều cuộc thi hoa hậu ở nước ta. Điều này dẫn đến tình trạng khán giả không thể nhớ nổi tên hoa hậu bởi sự gia tăng chóng mặt về số lượng các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Từ cuộc thi dành cho những cô gái trẻ, đến các cuộc thi dành cho quý bà, nữ doanh nhân... và còn có rất nhiều cuộc thi dành cho phái nam.
Chỉ trong năm 2023, theo thống kê có đến hơn 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở quy mô quốc gia tại Việt Nam. Có thể kể đến như Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Đại dương Việt Nam, Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam… Đấy là chưa kể các cuộc thi sắc đẹp thuộc ngành nghề, các trường đại học. Tuy nhiên, điều đọng lại trong khán giả không phải là tên cuộc thi, người đăng quang mà là những lùm xùm xung quanh khâu tổ chức đến thị phi của các hoa hậu.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra khi nhắc về chủ đề này là: "Thi hoa hậu để làm gì mà nhiều cô gái phải đăng ký hết cuộc thi nhan sắc này đến cuộc thi nhan sắc khác?". Thậm chí, có thí sinh tham gia gần 10 cuộc thi. Từ đầu năm 2024 đến nay, hầu như tháng nào cũng có các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Gần đây nhất là tối 3.8, có đến hai người đẹp đăng quang cuộc thi khác nhau là Võ Lê Quế Anh (Miss Grand Vietnam 2024) và Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Hoa hậu Du lịch Việt Nam).
Nhan sắc và cuộc sống của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đầu tiên sau 16 năm
Khi nhắc về chủ đề hoa hậu, dân mạng thường tỏ ra "ngán ngẩm" thay vì hào hứng bàn tán. "Đi đâu cũng gặp hoa hậu" là câu nói vui của nhiều người khi nhắc về tình trạng "bội thực hoa hậu" hiện nay ở nước ta. Một bạn đọc để lại bình luận trên Thanh Niên như sau: "Hoa hậu hiện nay như nấm mọc sau mưa. Biết đâu nay mai ra đường đi đâu cũng gặp hoa với hậu. Không biết việc thi nhau tổ chức đủ loại hoa hậu để làm gì? Thiết nghĩ việc này ban tổ chức thu lợi nhuận và các nàng hoa hậu thì sớm kiếm được đại gia hay một gia đình hào môn danh giá chăng. Quá chán!".
Bạn đọc N.Q viết: "Thời chiến tranh, mọi người hay nói câu: Ra ngõ, gặp anh hùng. Nay chắc có thêm câu: Đi chợ, gặp hoa hậu". "Vài năm nay đọc báo, hầu như tháng nào tôi cũng đọc tin có hoa hậu mới, nào là biển, trái đất, quý bà, hòa bình, môi trường, áo dài... Riết rồi tôi cũng chẳng biết hoa hậu nào. Ít thì còn hay, nhiều quá thì chán. Có thể Việt Nam ta hoa hậu nhiều nhất thế giới", một khán giả nhận định.
Sắp tới, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam được tổ chức và dĩ nhiên, sẽ có vô số người đẹp có danh hiệu hoa hậu, á hậu. Từ thực trạng "bội thực hoa hậu" và "loạn danh hiệu", nhiều người đưa ra đề xuất các cơ quan chủ quản phải siết lại việc tổ chức cuộc thi sắc đẹp. Có ý kiến góp ý rằng chỉ nên tổ chức 1 đến 2 cuộc thi nhan sắc mỗi năm để tránh tình trạng "số lượng hoa hậu tăng nhưng giá trị vương miện giảm".
Nhiều tài khoản để lại bình luận: "Chỉ có Việt Nam mới có nhiều cuộc thi hoa hậu đến vậy, có ai biết để làm gì không? Tôi thấy hoa hậu không cần thiết lắm, mỗi năm nước ta có 1 hoa hậu là quá đủ", "Tôi nói thật, giờ ra ngõ cũng thấy hoa hậu. Đã lâu lắm rồi tôi không còn quan tâm và biết cô nào là hoa hậu, không phải như ngày xưa", "Những quốc gia văn minh hàng năm chỉ tổ chức 1-2 cuộc thi hoa hậu. Họ tập trung thời gian và nguồn lực để thực hiện những thứ cần thiết phục vụ cho cộng đồng hơn là tổ chức hàng chục cuộc thi sắc đẹp "vô bổ" như vậy".
"Bây giờ có phải bội thực hoa hậu không thì cũng khó nói"
Trao đổi với Thanh Niên, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ vừa giao Cục Nghệ thuật biểu diễn rà soát lại con số 134 cuộc thi hoa hậu xem có chính xác không, dự kiến trong ngày 6.8 sẽ có câu trả lời.
Theo ông Tạ Quang Đông, từ năm ngoái tới nay Bộ trưởng đã có nhiều công văn gửi các tỉnh, bí thư, chủ tịch và đoàn đại biểu để tăng cường công tác kiểm tra, quản lý với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó có hoa hậu. Bên cạnh đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản gửi các sở liên quan. "Nhiều hội nghị cũng được tổ chức để quán triệt Nghị định 144 quy định về Nghệ thuật biểu diễn, trong đó giải thích, hướng dẫn về phân cấp quản lý. Các tỉnh thành cần tăng cường nhận thức về quản lý nhà nước, để các hoạt động biểu diễn, cuộc thi làm sao vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc về nghệ thuật, phục vụ được lợi ích của địa phương", Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay.
Ông Đông nói thêm, hiện tại, sau Nghị định 144 thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ còn là quản lý nhà nước: làm các văn bản, thấy gì bất cập thì điều chỉnh, đặc biệt tăng cường kiểm tra giám sát. "Thanh tra Bộ cũng có những đoàn đi từng tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM để kiểm tra, kiểm soát. Nhưng khi giao phân cấp (cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn - PV) cho địa phương rồi thì họ chủ yếu phải tự làm thôi", ông Đông chia sẻ.
Khi được hỏi "Hiện tại có phải đang bội thực hoa hậu không?", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định: "Bây giờ có phải bội thực hoa hậu không thì cũng khó nói. Đứng trên công tác quản lý thì thấy cần có một mức độ hợp lý về tổng thể. Vì mỗi tỉnh có thể nói là mỗi năm làm có một cuộc, nhưng tổng lại thì thành nhiều. Trước đây thì có giới hạn chỉ được tổ chức bao nhiêu cuộc, nhưng sau đó khi làm luật thì Chính phủ và Quốc hội yêu cầu phân cấp. Rồi khi phân cấp như bây giờ lại trăm hoa đua nở, thì rồi cũng phải thống kê để đánh giá lại Nghị định 144, để xem phát triển như thế là nóng hay vừa đủ hay còn thiếu. Trên tinh thần sẽ phải có sơ kết trong năm nay, để đến năm 2025 có thể nhìn nhận được vấn đề".
Bình luận (0)