Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) với học viên trong chương trình đào tạo: Thạc sỹ biến đổi khí hậu và phát triển, Trường đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra ngày 25.11.
Theo GS.TS Trần Hồng Thái, Việt Nam bắt đầu tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu từ giai đoạn 1992 - 1994 khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto. Nhưng phải đến năm 2007, biến đổi khí hậu mới mới trở thành vấn đề được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Sau đó, Chính phủ ban hành chương trình quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
GS.TS Trần Hồng Thái cũng cho rằng, từ năm 2007 đến nay, biến đổi khí hậu là vấn đề được quan tâm, nhắc đến thường xuyên. Năm 2021 cũng là dấu mấu quan trọng của Việt Nam và thế giới về biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26.
Sau nhiều năm tranh cãi vì bất đồng quan điểm, đến năm 2021, thế giới đã có chung một nhận thức biến đổi khí hậu sẽ là thách thức cực kỳ lớn trong tương lai và câu chuyện ứng phó nó là trọng trách của các thế hệ tương lai.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Trần Hồng Thái, trao phần thưởng hướng nghiệp cho các học viên xuất sắc trong chương trình đào tạo: Thạc sỹ biến đổi khí khậu và phát triển, Trường đại học Việt - Nhật |
Phan Hậu |
Cũng tại COP 26, Việt Nam cùng các nước trên thế giới cam kết, đến năm 2050 sẽ giảm phát thải khí CO2 về 0%. “Cam kết này một nỗ lực rất lớn của nhiều quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, rồi đây tất cả quy hoạch phát triển ở địa phương, các Bộ, ngành, lựa chọn công nghệ trong các ngành sản xuất đều phải tính đến vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Thái nói.
Chia sẻ về trăn trở trong đào tạo nhân lực, GS.TS Trần Hồng Thái so sánh, 13 năm về trước, Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia biến đổi khí hậu như bây giờ. Điều đáng mừng là biến đổi khí hậu đã được xây dựng thành ngành đào tạo của nhiều trường đại học. Việt Nam có nhiều hơn công trình nghiên cứu khoa học đánh tác động, tổn thương của biến đổi khí hậu; xây dựng và củng cố triết lý ứng phó biến đổi khí hậu đi kèm phát triển bền vững nhưng so với nhu cầu thực tế thì chưa đủ.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang cần đến hàng chục nghìn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia về biến đổi khí hậu, không chỉ là đội ngũ tham mưu chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước mà cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực này. Nhưng tính sơ sơ trong các trường đại học hiện nay, Việt Nam chỉ đào tạo được vài trăm người có trình độ thạc sỹ trở lên.
GS.TS Trần Hồng Thái khích lệ các học viên, cần tận dụng tốt cơ hội này để nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học, trở thành những chuyên gia về biến đổi khí hậu đóng góp dựng xây đất nước phát triển bền vững. “Những nghiên cứu khoa học, công nghệ, tri thức mới về biến đổi khí hậu sẽ dẫn đường cho thế giới và Việt Nam phát triển bền vững”, ông Thái nói.
Dịp này, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã trao 7 phần thưởng hướng nghiệp, trong đó 1 suất 10 triệu đồng và 6 suất, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng dành cho học viên trong chương trình đào tạo thạc sỹ biến đổi khí hậu và phát triển của Trường đại học Việt - Nhật có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Bình luận (0)