Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
11/09/2023 15:04 GMT+7

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, an ninh nguồn nước là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm; cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

Ngày 11.9, hội thảo Khoa học vì hòa bình với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học" khai mạc tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định).

Sự kiện ngoại giao khoa học này do Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE phối hợp tổ chức.

Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (bìa phải) trò chuyện cùng GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (giữa) tại ICISE

TRỌNG NHÂN

Hội thảo có hơn 60 nhà khoa học và các nghị sĩ trẻ đại diện 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự, với các diễn giả quốc tế như ông Martin Chungong, Tổng thư kí IPU; ông Mokhtar Omar, Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký IPU…

Giảm bất đồng về khai thác và sử dụng bền vững nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết an ninh nguồn nước là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm; cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

HOÀNG TRỌNG

Theo ông Nguyễn Đức Hải, hiện Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Trong đó, thách thức đầu tiên là thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; hệ thống trữ nước, điều tiết, phân phối nước phát huy hiệu quả chưa cao và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất.

Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng, có nơi đến mức báo động. Ô nhiễm nguồn nước còn xuất phát từ vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến nhiễm mặn các dòng sông, đặt ra vấn đề chống xâm mặn ở những nơi chưa từng xảy. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước.

Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội thảo Khoa học vì hòa bình tại ICISE

TRỌNG NHẬN

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỉ mét khối nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó, hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% và sông Hồng với trên 50% lưu vực nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, có thể nói, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

"Nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế ảnh hưởng lớn đến tính chủ động trong tích trữ, điều tiết nước cho các ngành kinh tế", ông Nguyễn Đức Hải nói.

Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự hội thảo nghe thông điệp từ ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU

HOÀNG TRỌNG

Những thách thức nêu trên đang đặt ra bài toán cho Việt Nam về an ninh nguồn nước và cũng là thách thức mà nhiều quốc gia đang gặp phải. Do vậy, cần phải có sự chung tay của nhiều quốc gia trong phạm vi khu vực và cả trên toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề này.

"Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực và sáng kiến của IPU với vai trò là một cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để phát huy vai trò của hợp tác nghị viện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu. Cuối tuần này, Quốc hội Việt Nam và IPU sẽ tổ chức hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội. Đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, huy động sự tham gia và đóng góp của các nghị sĩ trẻ trên toàn thế giới cho việc thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu vì phát triển bền vững đến năm 2030", ông Nguyễn Đức Hải nói.

Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Đức Hải (giữa) cùng Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (bìa phải) và GS Trần Thanh Vân tại ICISE

TRỌNG NHÂN

Phó chủ tịch Quốc hội mong muốn các quốc gia hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm bất đồng về khai thác và sử dụng bền vững nước; xây dựng hòa bình thông qua hợp tác khoa học…

Truyền cảm hứng cho các các nghị sĩ trẻ

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Khoa học vì hòa bình là một hội thảo ngoại giao khoa học quốc tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các nghị viện thông qua khoa học, truyền cảm hứng cho các các nghị sĩ trẻ của các quốc gia về tinh thần giải quyết các vấn đề chính trị, ngoại giao thông qua nền tảng khoa học.

Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước - Ảnh 6.

Ông Mokhtar Omar, cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, phát biểu tại hội thảo

HOÀNG TRỌNG

Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 11 - 13.9, gồm 9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu: Khoa học và chính trị; Các chương trình quan sát trái đất để giám sát nguồn nước; Thực hành lập pháp điển hình; Ngoại giao đa phương trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; Đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; Thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; Mạng lưới Liên minh nghị viện về nguồn nước; Ngoại giao khoa học và khoa học dự đoán.

Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước - Ảnh 7.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo

HOÀNG TRỌNG

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, hội thảo Khoa học vì hòa bình lần này là sự kiện đầu tiên đánh dấu cho biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới với ICISE chính thức được hiện thực hóa. Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.

Năm rất đặc biệt

Theo GS Trần Thanh Vân, năm nay là một năm rất đặc biệt. Việt Nam đã tham gia đề xuất đề án lấy năm 2022 - 2023 là năm quốc tế khoa học cơ bản để phục vụ phát triển bền vững, một kiến nghị mà Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 2.12.2021. Việt Nam cũng đã là thành viên sáng lập của kiến nghị Thập niên Khoa học 2024 - 2034 để phục vụ phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 25.8 vừa qua. Những thành công lớn lao của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về khoa học cũng đưa lại cho chúng ta một một trách nhiệm thực tế và trách nhiệm này không thể thực hiện được nếu không có sự trao đổi và cộng tác của các nghị viên quốc hội với các lãnh đạo trong mỗi quốc gia.

"Đấy là tầm nhìn và con đường tương lai để có một phát triển bền vững cho trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà IPU và ICISE sẽ cùng nhau đồng hành, tiến tới. ICISE sẽ trở thành một điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học của các nghị sĩ quốc hội các nước thuộc Liên minh Nghị viện thế giới trong chuỗi các hội nghị IPU Khoa học vì hòa bình", GS Trần Thanh Vân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.