Như vậy, tính đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hàng tín nhiệm, gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực.
Cơ sở để tổ chức S&P đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam và cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gây tác động đến kinh tế - xã hội.
S&P đánh giá, tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng 1 đến 2 năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của chính phủ để kiềm chế dịch Covid-19 trong nước.
Việt Nam có vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc. S&P ghi nhận kết quả tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.
Bất ổn từ đại dịch kéo theo bất ổn xã hội, suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới. Tính đến ngày 21.5, đã có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch.
Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức trên đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực. Một lần nữa, điều này khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức đối với thành công của Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
Bình luận (0)