Thời kỳ khó khăn nhất sau Chiến tranh lạnh
Với tư tưởng đề cao sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, bài phát biểu của Thủ tướng xoay quanh 3 vấn đề chính, gồm cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động cũng như những việc cần làm để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm.
Theo Thủ tướng, hiện nay hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân dân thế giới, song thế giới đang đứng trước thời điểm “có thể nói là khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh”. “Ít ai có thể ngờ rằng, trên 6 triệu người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19; xung đột ngay giữa lòng châu Âu… Vì vậy, nguy cơ chiến tranh, bất ổn chính trị tăng, kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro. Trong khi cạnh tranh, đối đầu đang dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế”, Thủ tướng nhìn nhận. Bên cạnh đó, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia.
Thủ tướng phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế |
Dương Giang |
Thủ tướng khẳng định hòa bình, an ninh và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hòa bình, an ninh và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Bởi vậy, lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc cần hài hòa và tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác. “Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Trong đó, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay.
Củng cố lòng tin, tăng cường đối thoại
Chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực, là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.
“Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn của các quốc gia. Đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là một trong những phương thức giải quyết hữu hiệu nhất đối với những tồn tại giữa các quốc gia cũng như trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Thủ tướng bày tỏ và dẫn chứng rằng ASEAN chính là một ví dụ, khi ASEAN đã và đang nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, trên nền tảng chung của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm và ASEAN đang tiếp tục củng cố mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ.
“Những người quan tâm đến Việt Nam có thể hỏi tôi là Việt Nam thể hiện trách nhiệm như thế nào trước các vấn đề khu vực, quốc tế”, Thủ tướng đặt vấn đề và nêu lên 3 quan điểm của Việt Nam về thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Một là kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia |
Hai là giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam luôn chọn độc lập với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”; giữa thương lượng và đối đầu thì chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột là chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh thì đó là chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh thì Việt Nam chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau. “Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng”, Thủ tướng bày tỏ.
Ba là, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế và câu chuyện giải quyết tranh chấp ở Biển Đông được Thủ tướng dẫn ra để minh chứng cho tinh thần này. “Là một quốc gia đã trải qua nhiều biến động và hiểu được những mất mát của nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia. Việt Nam là địa điểm để tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Trong vấn đề Ukraine, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, Thủ tướng nói.
Quan hệ Việt - Mỹ sẽ sớm lên tầm cao mới
Tương tự, với Mỹ, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Thủ tướng bày tỏ hài lòng bởi “Việt Nam và Mỹ đã đi được một quãng đường dài trong việc thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau”. “Trên những nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong gần 3 thập niên qua, chúng ta cần chân thành, tin cậy, tôn trọng và tiếp tục có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, để hàn gắn vết thương cho cả hai dân tộc, vun đắp quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển hơn nữa trong tương lai, cho tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, như hai bên đã khẳng định trong chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho hay với việc Mỹ đang hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển đầy khát vọng thì hai nước đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, giao lưu nhân dân… và trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.
Theo Thủ tướng, cùng với các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai nhất là 3 lĩnh vực tăng trưởng xanh; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. “Đây là những lĩnh vực Mỹ có thế mạnh hàng đầu thế giới. Đồng thời, Mỹ cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới với thị trường quy mô lớn, phong phú và đa dạng, tạo nền tảng tốt thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Sự kết hợp giữa thế mạnh của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng này cùng với sự năng động và chủ động, tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới”, Thủ tướng bày tỏ đồng thời không quên nhắc lại: Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới.
Bình luận (0)