Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế:

'Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới xám màu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/09/2023 11:38 GMT+7

Dù nhìn nhận kinh tế Việt Nam năm 2023 là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh vẫn khẳng định, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết.

Sáng 17.9, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng các cơ quan liên quan họp báo về Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Nhiều điểm nghẽn cần tiếp tục giải quyết

Được đề nghị đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, những tháng đầu năm, các giải pháp điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai rất tốt. Trong khi các nước lạm phát cao nhưng chỉ số CPI của Việt Nam chỉ 3,1%.

'Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế thế giới' - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì họp báo sáng 17.9

GIA HÂN

Cạnh đó, các cân đối lớn như nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cũng trong mức Quốc hội cho phép. Định vị tín nhiệm, vị thế quốc tế của Việt Nam cũng được cải thiện tích cực.

"Đây là những thành quả rất quan trọng", ông Thanh nói, và nhấn mạnh, cùng đó là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cũng có nhiều giải pháp được triển khai thực hiện tích cực, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường.

"Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, là kết quả rất quan trọng", ông Thanh nhận định.

Dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức phải nhận diện. "Bức tranh luôn có gam màu sáng và cả màu xám", ông Thanh nói và dẫn chứng các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại.

"Ví dụ đầu tư công là giải pháp cần thúc đẩy nhưng 8 tháng năm nay chỉ đạt 42,35% kế hoạch. Dù gần đây tiến độ giải ngân được đẩy nhanh hơn song so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn là thách thức lớn", theo ông Thanh.

'Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế thế giới' - Ảnh 2.

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 sẽ diễn ra vào 19.9

GIA HÂN

Theo ông Thanh, tăng trưởng nền kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư công, trong khi đầu tư tư nhân gặp nhiều khó khăn. "Sau hơn 2 năm đại dịch, sức khỏe đang bị bào mòn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, đơn hàng thiếu, người lao động mất việc làm", ông Thanh nêu.

Một "điểm xám" khác được ông Thanh đề cập là sự suy giảm của xuất nhập khẩu. Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 10%, nhập khẩu giảm 13%. "Mặc dù chúng ta vẫn xuất siêu nhưng cũng có tiêu cực của xuất siêu. Xuất khẩu thời gian tới có dấu hiệu không bình thường", ông Thanh nhận định.

Ông Thanh cũng cho hay: tiêu dùng, chỉ số bán lẻ, doanh thu dịch vụ đầu năm tăng khá nhưng những tháng gần đây tăng chậm lại. Thị trường trái phiếu, bất động sản cũng đang khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất nhưng tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. 

"Những vấn đề như thế cần tiếp tục giải quyết", ông Thanh nói và chốt lại: "Kinh tế Việt Nam 2023 vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của nền kinh tế thế giới".

Chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2023

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho biết dự báo năm 2023 chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu. Quan trọng hơn, 5 chỉ tiêu không đạt lại là những chỉ tiêu "phản ánh chất lượng tăng trưởng" như tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội GDP…

'Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế thế giới' - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Hiển trao đổi tại họp báo

GIA HÂN

"Rõ ràng, chỉ tiêu không đạt được vừa có tính cấp bách trong ngắn hạn vừa đặt ra vấn đề trong dài hạn", ông Hiển nói và cho biết đây là lý do Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023 tập trung vào vấn đề tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cũng nói về nội dung của diễn đàn, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, sau hơn 2 năm có dịch Covid-19, nền kinh tế "cũng có nhiều vấn đề" như ông đã nêu. Do đó, cần có giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn này. Cần tìm ra động lực mới cho tăng trưởng, đề xuất các dư địa để khai thác triệt để, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.

Ông Thanh dẫn ví dụ, trong bối cảnh xuất khẩu, nhập khẩu giảm, cần tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra, để không chỉ dừng lại thị trường truyền thống mà phải tìm kiếm các thị trường ngách, thị trường mới để đưa hàng hóa xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Ông Thanh thông tin, tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 tuần tới, các doanh nghiệp, các học giả thảo luận, phân tích cụ thể về các khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp để cơ quan Quốc hội, Chính phủ có các gói giải pháp trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6 về kinh tế - xã hội 2024 sắp tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.