Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin

Liên Châu
Liên Châu
29/10/2023 20:35 GMT+7

Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin, đã sản xuất 11/12 vắc xin tiêm chủng mở rộng và đang nghiên cứu, phát triển vắc xin với bệnh mới xuất hiện.

"Việt Nam đã làm chủ được các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh mới. Trong đó, các nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vắc xin và hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đã đưa Việt Nam trở thành một nước có thế mạnh về sản xuất vắc xin trên thế giới", TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết tại Diễn đàn Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe, được Bộ Y tế tổ chức ngày 29.10 tại Hà Nội.

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin - Ảnh 1.

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin; hệ thống thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế thế giới công nhận

NGỌC THẮNG

Theo ông Quang, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh với hiệu quả cao mà trước đây chưa thực hiện được như ghép tạng, can thiệp tim mạch, sọ não, nội soi can thiệp, hỗ trợ sinh sản, chấn thương chỉnh hình và hỗ trợ cho y tế các tuyến cũng như quản lý các vấn đề sức khỏe cộng đồng và y tế công cộng.

Các thành công trong nghiên cứu, ứng dụng trong sản xuất vắc xin phòng bệnh ở người đã giúp Việt Nam bảo đảm 11/12 loại vắc xin tiêm chủng mở rộng. 

Chi phí điều trị kỹ thuật cao giảm 30 - 50% so với nước ngoài

Ông Quang cho biết, trong nước đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh như ghép tạng (đến nay Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu), can thiệp tim mạch, ung thư, hồi sức cấp cứu, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân, trị liệu tế bào... với chi phí giảm từ 30 - 50% so với chi phí ở nước ngoài.

Ngành dược trong nước đang đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và thuốc y học cổ truyền, tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng.

Các đơn vị bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như máy siêu âm, X quang, laser, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa... 

Tại diễn đàn, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã  trình bày các báo cáo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) điều trị chẩn đoán bệnh di truyền hay gặp; chẩn đoán, tiên lượng bệnh lý loãng xương; đổi mới sáng tạo khoa học trong khám chữa bệnh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.