Chiều nay 28.9, tại TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM tổ chức Hội thảo các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống sốt xuất huyết Dengue (sau đây gọi tắt là sốt xuất huyết) tại Việt Nam, với sự tham dự của các chuyên gia y tế đến từ Bộ Y tế, WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và các đơn vị điều trị, tiêm chủng.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết theo WHO, dịch bệnh sốt xuất huyết phức tạp, ước có khoảng 2,5 tỉ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; tỷ lệ tử vong trung bình 1%.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành rộng tại các tỉnh, thành, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc. 9 tháng đầu năm nay ghi nhận 87.000 ca mắc sốt xuất huyết, 23 ca tử vong.
WHO nhận định xu hướng dịch sốt xuất huyết còn phức tạp và có thể gia tăng các ca tử vong, đặc biệt tại châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Qua thực tế điều trị, PGS - TS - BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cảnh báo sốt xuất huyết là mối đe dọa lớn ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới do những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng mà nó có thể gây ra.
Bệnh không chỉ được đặc trưng bởi cơn sốt cao kéo dài trong vài ngày mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sốc giảm thể tích do thất thoát huyết tương, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương nặng suy đa tạng.
Vắc xin sẽ là cú hích mạnh cho phòng, chống dịch
Theo BS Nguyễn Thanh Hùng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng để triển khai hiệu quả việc phòng ngừa sốt xuất huyết như: Diệt muỗi, diệt lăng quăng; tiêm phòng sốt xuất huyết khi có vắc xin hiệu quả, giúp giảm số bệnh nhân.
Đại diện của WHO tại Việt Nam cho hay trong tuần này, nhóm cố vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO sẽ có cuộc họp với nhà sản xuất vắc xin sốt xuất huyết, dự kiến có khuyến cáo chính thức về vắc xin này trong 2 tuần tới.
Vắc xin sốt xuất huyết do Tập đoàn dược phẩm Takeda (Nhật Bản) nghiên cứu và phát triển. WHO kỳ vọng sẽ có vắc xin an toàn hiệu quả cho cộng đồng.
"Để ngăn ngừa bệnh dịch sốt xuất huyết bùng phát, các biện pháp phòng bệnh (giám sát muỗi truyền bệnh, hướng dẫn và huy động cộng đồng có kiến thức tự bảo vệ bản thân) là quan trọng. Vắc xin sốt xuất huyết không là biện pháp thần kỳ, duy nhất nhưng sẽ là cú hích mạnh cho phòng, chống sốt xuất huyết", đại diện của WHO đánh giá.
Theo Bộ Y tế, vắc xin sốt xuất huyết hiện đã được cấp lưu hành tại 34 quốc gia; đang trong quá trình xem xét hồ sơ cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin có chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi, có thể tiêm cho người từng mắc sốt xuất huyết, được giới chuyên môn rất chú trọng đánh giá về tính an toàn, hiệu quả bảo vệ.
Bình luận (0)