Tại hội thảo quốc tế An ninh và phát triển biển, do Học viện Ngoại giao và Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức từ ngày 9 - 10.6 ở thành phố Hạ Long, trả lời câu hỏi của một học giả Trung Quốc về chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý khẳng định: “Chủ trương đó của Việt Nam luôn nhất quán, chỗ nào là tranh chấp song phương thì hai bên cùng ngồi lại với nhau, còn chỗ nào là đa phương thì tất cả các bên cùng phải giải quyết. Việt Nam luôn ứng xử phù hợp với quan điểm đó”.
Ông Quý cho rằng mục tiêu của các quốc gia đều giống nhau là duy trì hòa bình, ổn định, không để xảy ra xung đột nóng. Vì vậy cần phải xây dựng lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và duy trì việc hợp tác để những tranh chấp không bùng nổ thành xung đột nóng. Hội thảo cũng nhấn mạnh cần gác lại các tranh chấp về chủ quyền, tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng lòng tin. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là cần thiết.
Phát biểu tại hội thảo, ông Quý nói: "Những mâu thuẫn, xung đột trên biển có thể mất hàng trăm năm nữa mới giải quyết xong. Nếu chúng ta không nỗ lực bảo vệ môi trường biển từ bây giờ thì đến khi giải quyết được các tranh chấp đã thành biển chết, và nhân loại cũng chết”.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra cuộc họp lần thứ 12 các quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc (SOM) về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và tham vấn về xây dựng COC.
Trong tham vấn xây dựng COC, các nước lần đầu tiên trao đổi về bản chất, cách tiếp cận xây dựng, thời gian hoàn thành và đề cương COC. Các nước cũng nhất trí đẩy mạnh thực hiện các biện pháp “thu hoạch sớm”, trong đó có việc sớm hoàn tất tài liệu hướng dẫn để đưa vào vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó các sự cố khẩn cấp trên biển, cũng như hoàn tất xây dựng Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện bộ quy tắc ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên Biển Đông.
Bình luận (0)