Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hòa bình ở Biển Đông

22/08/2016 14:21 GMT+7

Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hoà bình, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại quốc phòng - an ninh... kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.

Đây là một trong những nội dung bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, khai mạc sáng nay (22.8) tại Hà Nội.
Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hoà bình
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến mới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường.
Theo Phó thủ tướng, môi trường đối ngoại chiến lược đang nổi lên những thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta. Tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều hơn với các đặc trưng là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư nhấn mạnh hơn 70 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Theo Tổng bí thư, đối với những vấn đề phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hoà bình, hợp tác, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, trên tất cả các diễn đàn song phương và đa phương, khu vực và quốc tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại quốc phòng - an ninh, đối ngoại nhân dân, nhằm kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi tranh chấp.
Tổng bí thư cũng chỉ ra công tác đối ngoại thời gian qua còn một số hạn chế; có việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt, như công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động và hiệu quả chưa cao. Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình; sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa được như mong muốn.
Toàn cảnh hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 Ngọc Thắng
Tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước
Theo Tổng bí thư, hiện nay nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ vô cùng trọng đại. Toàn bộ ngành ngoại giao nói riêng, hoạt động đối ngoại nói chung đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn, quan trọng, mà trước hết là nhiệm vụ tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.
Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị Ngọc Thắng
Tổng bí thư gợi mở: là một ngành có điều kiện tiếp cận nhanh với nhiều nguồn thông tin, có nhiều cơ quan đại diện ở khắp năm châu, Ngoại giao cần đặt ưu tiên cao tăng cường nghiên cứu dự báo, cung cấp thông tin về những diễn biến trước mắt và dài hạn của nền kinh tế khu vực và thế giới. Công tác này nhằm giúp cho lãnh đạo có đánh giá chuẩn xác, kịp thời để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong nước phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển chung.
Tổng bí thư cũng đề nghị ngành Ngoại giao phải phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, tích cực, chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thương mại, đầu tư, du lịch với chất lượng cao, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Song song với nhiệm vụ phát triển đất nước, Ngoại giao còn phải gánh vác một nhiệm vụ to lớn hết sức phức tạp là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng bí thư yêu cầu ngành Ngoại giao cần chú trọng công tác nghiên cứu dự báo chiến lược, làm rõ nguồn gốc sâu xa của những diễn biến hiện nay đang diễn ra trên thế giới, nhất là mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các nước lớn tại các khu vực trọng yếu, kể cả châu Á - Thái Bình Dương và Đông Á, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, kịp thời đề xuất phương án ứng xử cho trước mắt và lâu dài.
“Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh. Vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải hết sức giữ vững môi trường hoà bình và hợp tác để phát triển. Nhằm mục tiêu đó, cần giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, trong đó có thương lượng song phương trên những vấn đề liên quan tới hai nước và đa phương trên những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì phấn đấu nhằm đạt được một giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Tổng bí thư phát biểu.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trò chuyện cùng các đại biểu Ngọc Thắng
Phải luôn đặt dân tộc vào dòng chảy của thời đại
Theo Tổng bí thư, thành bại của Ngoại giao tùy thuộc vào thực lực và vị thế. Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong "sức mạnh mềm". Đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới. Đó còn là việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại một cách khôn khéo như một nghệ thuật theo những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng bí thư nhận định, ngày nay nhờ công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại hoà hiếu, rộng mở, Việt Nam đã có được một vị thế mới trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại, nêu cao đại nghĩa của dân tộc, tranh thủ được thiện cảm của nhân loại tiến bộ, nâng cao cả thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất.
Chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 là: "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”. Hội nghị sẽ diễn ra từ từ 22 - 26.8 tại Hà Nội. Đây là hội nghị Ngoại giao đầu tiên được tổ chức sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Dự phiên khai mạc hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội; ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư.
Dự hội nghị còn có các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan T.Ư, các tỉnh, thành; nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao; các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và trên 400 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của các địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.