Motley nhận định sự thống trị của thị trường nhân công giá rẻ tại Trung Quốc đang sắp đến hồi kết khi mà lương tối thiểu tại nước này đang leo thang, người lao động đòi hỏi các chế độ lao động cao hơn và số lượng ngày càng nhiều những người thuộc tầng lớp trung lưu xuất thân là công nhân lên làm chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã đánh giá Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hơn 100 triệu nhân công trong năm 2040.
Motley Fool đánh giá hiện có ba quốc gia nhiều khả năng sẽ nổi lên mạnh mẽ nhất khi thị trường nhân công Trung Quốc chuyển biến xấu.
1. Việt Nam: Thị trường nhân công giá rẻ mới của châu Á
|
Trên bản đồ kinh tế châu Á, Motley Fool cho rằng Việt Nam gặp nhiều bất lợi khi nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới.
“Dù nằm trong thế khó, nhưng Việt Nam vẫn tận dụng được sự gia tăng về số lượng người trung lưu và nhu cầu thuê mướn nhân công tại Trung Quốc để chiếm lấy một phần thị phần trên thị trường cung cấp nhân công của quốc gia láng giềng”, trang phân tích tài chính Mỹ cho hay.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trước đây đã tăng rất nhanh và trong năm 2013, mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại, GDP của Việt Nam vẫn tăng ổn định khoảng 5%.
“Trong khi đó, lạm phát cao không dịch chuyển mạnh vào mức lương tại Việt Nam, dẫn đến việc thị trường lao động vẫn rẻ và đem lại lợi thế rất lớn so với tình hình chi phí nhân công đang leo thang tại Trung Quốc”, Motley Fool phân tích.
Hãng sản xuất dụng cụ, trang phục thể thao Nike là một trong nhiều công ty đang tận dụng lợi thế từ nhân công giá rẻ tại Việt Nam.
Việt Nam đã vượt mặt Trung Quốc để trở thành nhà sản xuất giày lớn nhất cho Nike trong năm 2010, và Việt Nam đã cung cấp khoảng 41% trong tổng số lượng giày hiệu Nike được làm ra trong năm 2012, cao hơn Trung Quốc đến 9%.
Các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung (Hàn Quốc) và Jabil Circuit (Mỹ), nổi tiếng với nhãn hiệu loa JBL, đang lên kế hoạch tăng gấp ba số nhân công tại các nhà máy ở TP.HCM trong hai năm tới.
Các tập đoàn này được cho là đã than phiền rằng chi phí nhân công tăng cao tại Trung Quốc là nguyên nhân khiến họ chuyển hướng sang Việt Nam, theo Motley Fool.
Tình hình tương tự đang diễn ra ngay cả trong các mảng khác như dược phẩm.
Hồi cuối tháng 3, tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) đã công bố kế hoạch đầu tư 75 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc tại TP.HCM nhằm tăng cường thị phần của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Không chỉ cung cấp thuốc cho thị trường Việt Nam, nhà máy này dự kiến còn xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á khác.
Sanofi cho biết sở dĩ chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất thuốc vì thị trường thuốc trị bệnh ở Việt Nam ngày càng tăng. Khi điều kiện sống tăng lên, người dân quan tâm hơn về chăm sóc sức khỏe. Hiện ở Việt Nam có 12.000 người đang làm việc cho Sanofi.
“Lực lượng nhân công Việt Nam trẻ hơn rất nhiều so với nhân công Trung Quốc vốn phải đối mặt với khủng hoảng về tình trạng lực lượng cao tuổi đang tăng mạnh. Mặc dù có thể lạm phát cao sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam, nhưng quốc gia này vẫn đóng vai trò nòng cốt trên thị trường Đông Nam Á”, Motley Fool cho hay.
2. Mexico: Thị trường nhân công rẻ nằm sát nền kinh tế lớn nhất thế giới
|
Đối với các công ty Mỹ đang muốn cắt giảm chi phí, Mexico là nơi có nguồn nhân lực rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc, Motley Fool cho hay.
Cũng giống như Việt Nam, Mexico đang tận dụng việc chi phí nhân công tại Trung Quốc đang gia tăng. Đặc biệt, nước này đã nỗ lực rất nhiều trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian gần đây, nhất là lực lượng kỹ sư.
Điều này đồng nghĩa với việc năng suất lao động được nâng cao. Theo nhật định của Boston Consulting Group, một trong những hãng tư vấn quản lý nhân sự lớn nhất nước Mỹ, nếu dùng năng suất làm thước đo thì giá lao động ở Mexico còn rẻ hơn Trung Quốc.
Khi hoạt động tại Mexico, doanh nghiệp Mỹ sẽ không phải tốn công vận chuyển hàng hóa qua đại dương vì Mexico nằm ngay cạnh nước Mỹ.
“Đây là một lợi thế lớn cho các dây chuyền cung cấp sản phẩm của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh lợi thế mạnh nhất (chi phí nhân công) của Trung Quốc đang dần mất đi thì Mexico đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các công ty Mỹ”, Motley Fool phân tích.
Tập đoàn xe hơi Nissan (Nhật Bản) hiện gắn bó chặt chẽ với Mexico, trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất tại nước này. Nissan sản xuất hơn 680.000 xe hơi cho thị trường Mexico trong năm 2012.
“Thị trường xe hơi Trung Quốc có thể béo bở nhưng Mexico đang trở thành trung tâm sản xuất, lắp ráp xe hơi lớn và đang tạo ra rất nhiều việc làm trong nước dựa vào việc bán xe cho Mỹ”, Motley Fool nhận định.
3. Mỹ: Doanh nghiệp trở về nhà
|
“Công bằng mà nói, chi phí nhân công tại Mỹ vẫn còn quá cao so với mức mà người lao động bình thường Trung Quốc có thể mơ tới. Nhưng nếu xét về năng suất thì chênh lệch giữa hai bên không quá nhiều”, Motley Fool cho hay.
Hồi năm 2011, Boston Consulting Group ước tính năng suất làm việc, lương nhân công Trung Quốc có thể đạt mức 69% mức lương trung bình của nhân công Mỹ vào năm 2015.
Còn hãng tư vấn tài chính AlixPartners dự báo rằng chi phí sản xuất của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc có thể bằng với chi phí sản xuất ngay tại Mỹ vào năm 2015, vì còn phải tính thêm chi phí vận chuyển và thời gian.
“Sức tiêu dùng tại Trung Quốc tăng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tại nước này ở một chừng mực nào đó nhưng danh hiệu thị trường lao động lớn nhất thế giới của Bắc Kinh có lẽ cũng sẽ tan biến”, Motley Fool đánh giá.
“Trong khi đó, việc kinh tế Mỹ khôi phục sẽ tạo đà cho sự gia tăng trở lại của sức tiêu dùng trên toàn nước Mỹ và doanh số bán hàng trong nước tăng sẽ khuyến khích gia tăng việc làm tại quê nhà”, trang tin tài chính Mỹ cho hay.
Hoàng Uy
>> Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác
>> Doanh nghiệp Việt Nam giữ chân người lao động tốt nhất
>> Tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc độc hại
>> Trung Quốc: Mỗi phút có 6 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư
Bình luận (0)