Hội thảo do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức ngày 6.9.
Trước những diễn biến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, theo ông Trương Đình Tuyển, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Cụ thể, Việt Nam nên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ, châu Âu. Đồng thời, Việt Nam phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.
Doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ, kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ. Theo ông Tuyển, đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam như vụ thép và nhôm.
Dù Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng nước này đã cảnh báo Việt Nam trên các nội dung : xuất siêu lớn, từ vị trí thứ 6 đầu năm 2018, hiện nay, Việt Nam đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ. Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngọai tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP). Ngoài ra, họ cũng cảnh báo Việt Nam về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam thể hiện trong một số điều khoản của luật An toàn thông tin mà Quốc hội đã thông qua.
Ông Trương Đình Tuyển đánh giá : Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang sẽ tác động khá lớn đến kinh tế Việt Nam theo hướng có lợi, bởi hàng hóa Việt có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng, nếu chúng ta đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bình luận (0)