Đầu tháng 3 vừa qua, Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) công bố báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh (GreenPeace) về “Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018”.
Theo báo cáo này, Hà Nội đứng thứ 2 còn TP.HCM đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á.
Chuẩn ô nhiễm VN cao gấp đôi thế giới
Bình luận về thông tin trên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Võ Tuấn Nhân cho rằng báo cáo trên chỉ theo dõi chất lượng không khí của 20 thành phố ở 4 nước (Indonesia, Thái Lan, Philippines và VN - PV) nên không đủ cơ sở để nói Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và đặc biệt tại một số thời điểm diễn biến rất phức tạp. Tại Hà Nội, các thông số đo đạc được từ các trạm quan trắc cho thấy chỉ số bụi PM 2,5 vượt ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn của VN, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2019.
|
Đầu tháng 4, trả lời báo chí về vấn đề ô nhiễm không khí, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), lại cho biết: Năm 2018, Hà Nội có khoảng 8 ngày chịu chỉ số chất lượng không khí xấu, AQI (Air Quality Index - chỉ số chất lượng không khí) nằm ở mức hơn 200 và 50 ngày nằm ở ngưỡng kém, AQI từ khoảng 101 - 200. Ngay cả mức này cũng chưa ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cộng đồng, nhưng có ảnh hưởng mức độ nhẹ đến nhóm nhạy cảm với thời tiết như người già, trẻ em và những người mắc bệnh đường hô hấp.
tin liên quan
Không khí rơi vào 'vùng cam'“Chúng tôi đã phân tích chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM dựa trên dữ liệu quan trắc công khai trong suốt 3 năm qua và luôn kiến nghị lắp đặt thêm các trạm quan trắc để có bức tranh đầy đủ về chất lượng không khí ở VN. Chúng tôi cũng đang sử dụng nguồn dữ liệu hiện có để đưa ra những cảnh báo về hiện trạng chất lượng không khí để người dân có thể chủ động bảo vệ sức khỏe gia đình khi ô nhiễm ở mức cao”, Nguyễn Thị Anh Thư, nghiên cứu viên GreenID, cho biết.
|
Sở dĩ số ngày “không khí không đạt chuẩn” của Hà Nội có độ vênh là do chuẩn ô nhiễm của VN và thế giới khác nhau. Cụ thể, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Bộ TN-MT thì giới hạn nồng độ bụi PM 2.5 trung bình 24 giờ (ngày) của VN là 50 μg/m3. Mức giới hạn này cao gấp đôi nếu so sánh với hướng dẫn của WHO và được sử dụng phổ biến ở các nước là 25 μg/m3. Điều này đồng nghĩa với việc theo hướng dẫn của WHO, chỉ số chất lượng không khí AQI phải dưới 25 thì chất lượng không khí được đánh giá là tốt, tương đương với màu xanh.
Ông Thức cũng cho rằng thông tin của các báo cáo chủ yếu dẫn nguồn từ trạm quan trắc của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ ở Hà Nội và TP.HCM là chưa thật sự khách quan và đầy đủ khi chỉ mới đo một chỉ số là bụi mịn PM 2.5.
“Chúng tôi cũng lấy số liệu quan trắc trực tiếp của các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ ở 15 thành phố ở châu Á, thấy chỉ số bụi mịn PM 2.5 ở TP.HCM là tốt nhất, ở Hà Nội là tốt thứ 4. Điều đó có nghĩa là chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội và TP.HCM vẫn nằm trong nhóm top của các thành phố châu Á”, ông Thức nói.
Không khí trắng đục thường xuyên là có thật
tin liên quan
Ô nhiễm không khí, tuổi thọ trẻ em sẽ bị rút ngắn 20 thángLãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết tại Hà Nội đã được đầu tư hệ thống quan trắc 12 trạm, tiêu chuẩn hiện đại của các nước G7. Khi có trạm quan trắc hiện đại như vậy, điều quan trọng là cần thường xuyên cập nhật thông tin cho người dân hằng ngày, báo cáo phân tích từng tháng, quý để ít nhất tự bản thân họ có biện pháp bảo vệ cho cá nhân mình. Cơ sở dữ liệu thông tin phải ở dạng mở, tiện lợi để bất kỳ người dân bình thường nào cũng có thể sử dụng khi cần. Nhưng trang web quantracmoitruong.gov.vn lại không có những thông tin này.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân: do các phương tiện giao thông tập trung đông ở khu vực nội thành, các công trình xây dựng không được che chắn cẩn thận, phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành gây ô nhiễm cao như nhiệt điện, sắt thép, xi măng... và nông dân đốt rơm rạ.
Một giải pháp tình thế được nhiều chuyên gia khuyến cáo là phải tăng cường trồng cây xanh để giúp giảm bụi, giảm khí độc, tăng lượng ô xy. Nếu phải ra đường vào thời điểm không khí ô nhiễm, cần sử dụng khẩu trang có khả năng lọc bụi mịn. Điều quan trọng là phải cắt giảm được nguồn phát thải chính từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, giãn dân ra vùng ngoại thành để bớt tập trung dân số trong phạm vi hẹp... mới mong cải thiện được chất lượng không khí.
“Hà Nội đang rất quyết liệt trong cải thiện chất lượng không khí, ban hành các tiêu chuẩn đầy đủ về khí thải, yêu cầu các công trình xây dựng được che chắn, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoài khu dân cư”, ông Võ Tuấn Nhân nói tại cuộc họp báo Chính phủ.
Trong khi đó, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, khuyến cáo: “Tình trạng ô nhiễm không khí ở VN khó có thể cải thiện khi tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030. Chính phủ nhanh chóng tăng cường giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các biện pháp như thúc đẩy ban hành đạo luật không khí sạch, đồng thời thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải của giao thông và các nhà máy nhiệt điện than”.
Tác động của ô nhiễm PM 2.5 đến sức khỏe
GreenPeace dẫn các báo cáo nghiên cứu về tác động của PM 2.5 lên sức khỏe: Tiếp xúc với ô nhiễm PM 2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí. Nói cách khác, nếu mọi người đều được sống trong bầu không khí sạch, trung bình chúng ta sẽ sống lâu hơn 1,8 năm. Ví dụ, đối với trẻ em sống ở Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25 - 30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.
|
Bình luận (0)