Việt Nam: quê hương thứ hai của nữ nhiếp ảnh gia kỳ cựu Mỹ
13/10/2018 19:12 GMT+7
Nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng của đài National Geographic, Catherine Karnow gọi Việt Nam là quê hương thứ hai sau gần 3 thập niên chụp nhiều bộ ảnh về đất nước và con người nơi đây.
Tự động phát
“Sau 28 năm đến Việt Nam chụp nhiều bộ ảnh khác nhau, tôi có cảm thuộc cảm giác thuộc về nơi này. Mỗi chuyến trở về Việt Nam, tôi có cơ hội làm quen với nhiều người bạn mới, sức sống mới cùng sự phát triển vượt bậc của đất nước kể từ thời kỳ đổi mới. Tôi thật sự thán phục trước tốc độ phát triển, hiện đại hóa của Việt Nam. Điển hình là nhiều tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng phát triển và đời sống người dân ngày càng được cải thiện”, bà Catherine Karnow trả lời phỏng vấn Thanh Niên nhân chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh.
|
Những bộ ảnh của bà Karnow thể hiện nhiều góc độ khác nhau từ những người dân bình thường, nạn nhân chất độc màu da cam cho đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyển sách “Việt Nam 25 năm của một đất nước đang thay đổi” lần đầu tiên được xuất bản vào 4.2015 sau đó được tái bản nhiều lần và bộ sưu tập này cũng từng được triển lãm tại Việt Nam. Đây là bộ sưu tập thể hiện hành trình phát triển của đất nước Việt Nam thông qua ống kính của bà xuyên suốt từ thời kỳ đổi mới trong thập niên 1990 cho đến nay.
Một tình bạn đặc biệt
Sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông vào thập niên 60 trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, bà Karnow chia sẻ: “Lúc còn bé, tôi không có nhiều hiểu biết về Việt Nam. Việt Nam đối với tôi lúc đó giống như một điều gì đáng sợ, đe dọa và ở rất gần”.
|
Tuy nhiên, “cái duyên” để gắn bó với Việt Nam chính là chuyến đi đến thủ đô Hà Nội cùng với cha-nhà báo nổi tiếng Stanley Karnow để phỏng vấn và viết bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tờ The New York Times. “Trước đi đến nhà gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào 7.1990, ban đầu tôi có cảm giác hơi sợ hãi, không tự tin. Tuy nhiên, cha tôi đã động viên tôi phải tự tin là chính mình, không cần phải có kiến thức như chuyên gia về chiến dịch Điện Biên Phủ”, bà Karnow nhớ lại.
Đến năm 1994, Đại tướng đã mời nhiếp ảnh gia Karnow đi cùng ông với tư cách cá nhân đến Điện Biên Phủ. Trong những năm sau đó, bà trở thành người bạn thân thiết với gia đình Đại tướng. “Có lẽ nhân vật đáng kính nhất tôi đã gặp những năm đầu ở Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã giành độc lập cho đất nước từ tay quân Pháp. Tôi tự hào được chụp ảnh chân dung của ông”, bà Karnow nói.
|
Vào tháng 10.2013, bà Karnow được mời về chứng kiến quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Karnow chia sẻ: “Tôi tự hào khi bức ảnh chân dung Đại tướng do chính tôi chụp xuất hiện trên nhiều ấn phẩm. Tôi thật sự rất cảm động khi chứng kiến nhiều người dân đứng dọc đường cầm trên tay bức ảnh trong lễ quốc tang. Tôi tự hào vì bức ảnh chân dung có thể giúp nhân dân Việt Nam bày tỏ tấm lòng mến mộ, lòng đau buồn của họ trước sự ra đi của Đại tướng”.
|
|
Người phụ nữ trên chuyến tàu Thống Nhất
Khi phóng viên đặt câu hỏi về bức ảnh tâm đắc nhất, bà Karnow đáp: “Những bức ảnh mình chụp giống như những đứa con. Cha mẹ luôn nhìn con cái của mình hằng ngày bằng ánh mắt yêu thương. Bức ảnh để lại ấn tượng nhất chính là người phụ nữ trên đoàn tàu Thống Nhất”.
Trên chuyến tàu từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội năm 1990, nhiếp ảnh gia Karnow di chuyển lên xuống khắp các toa tàu với hy vọng chụp được những bức ảnh đời thường Việt Nam và cuối cùng bà bắt được khoảnh khắc giáo viên Trần Thị Điệp cùng những đứa trẻ ngồi bên cạnh cửa sổ toa tàu.
|
“Ánh mắt người phụ nữ trong phụ nữ chứa đựng nội hàm rất lớn. Đó là nhân dân Việt Nam luôn hướng về tương lai phía trước. Mỗi lần nhìn lại bức ảnh, nó giúp tôi có thêm động lực cùng nguồn cảm hứng mới cho những dự án sắp tới”, theo bà Karnow.
Sau đó, bức ảnh xuất trên sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet về Việt Nam trong nhiều năm liền. Vào năm 2011, sau khi một tờ báo ở Việt Nam đăng tải bài phỏng vấn với nhiếp ảnh gia Karnow, con gái của cô Điệp đã liên lạc với bà trên Facebook. “Mãi đến năm 2012, tôi mới có cơ hội gặp lại người phụ nữ. Tôi đã đến thăm gia đình và chụp ảnh cưới cô con gái”, bà Karnow kể lại.
|
|
“Mỗi lần về Việt Nam, được gặp gỡ những người bình thường cho đến các nhà báo, tôi lại có nguồn cảm hứng mới và cảm giác thuộc về nơi đây, giống như quê hương thứ hai của tôi”, nhiếp ảnh gia Karnow nói. Trong cuộc phỏng vấn, bà Karnow cũng có cơ hội gặp lại phóng viên ảnh báo Thanh Niên. Phóng viên Ngọc Dương đã từng gặp gỡ, chụp ảnh bà Karnow tại tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Thông điệp cho giới trẻ
“Nếu bạn trẻ muốn chọn nhiếp ảnh phát triển sự nghiệp thì quả đây là nghề đầy thách thức. Các bạn cần phải đam mê, làm việc hết mình, tôi nghĩ đây là đức tính nổi bật nhất của người Việt Nam. Nếu bạn đang làm công việc khác thì cứ tiếp tục việc mình làm cùng lúc sắp xếp thời gian để chụp ảnh. Tôi động viên mọi người hãy cầm máy lên, chụp những khoảnh khắc đẹp nhất dù chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp”, nhiếp ảnh gia Karnow chia sẻ.
|
Nhắc đến dự án sắp tới, bà Karnow nói sẽ tập trung vào bộ ảnh về nạn nhân chất độc màu da cam. “Tôi đang đợi đến thời điểm thích hợp. Tôi kỳ vọng chính phủ Mỹ tiếp tục quan tâm và có hành động cụ thể hơn đối với nạn nhân chất độc màu da cam, tiếp tục mở rộng chương trình công tác xử lý, khắc phục hậu quả chiến tranh”, bà Karnow cho biết. Ngoài ra, nữ nhiếp ảnh gia kỳ cựu còn tham gia một số tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.
Bình luận (0)